Chỉ một trận đấu, những mây mù vây quanh tuyển Việt Nam và HLV Philippe Troussier phần nào bị xua tan. Màn trình diễn ấn tượng trước Nhật Bản hùng mạnh chứng minh lựa chọn của Troussier với tuyển Việt Nam là chính xác.
Còn ai dám nghi ngờ triết lý kiểm soát
90 phút trước Nhật Bản tối 14/1 có lẽ là thế trận sáng sủa nhất tuyển Việt Nam từng có trước Nhật Bản. Đội bóng của HLV Troussier không cho đối thủ cầm bóng quá 60% suốt cả trận và kết thúc 90 phút với tỷ lệ cầm bóng 41,6% khá ấn tượng. Tuyển Nhật Bản thực hiện 739 đường chuyền thì Việt Nam cũng có 530 đường. Trong 530 đường chuyền ấy, 85% là các chuyền ngắn.
Đây là thông số cực kỳ ấn tượng, cho thấy tiến bộ đáng kể của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản. Ở Asian Cup 2019 dưới thời Park Hang-seo, tuyển Việt Nam chỉ thua 0-1 nhưng để đối phương làm chủ hoàn toàn thế trận, cầm bóng tới 68%. Trước đó ít ngày, người hàng xóm Thái Lan cũng lép vế trước Nhật Bản, để đối thủ cầm bóng tới 63%.
Đội tuyển của ông Troussier đã để lại những ấn tượng đặc biệt trong trận ra quân thua 2-4 trước Nhật Bản ở bảng D Asian Cup 2023 tối 14/1. Ảnh: VFF. |
Giữ bóng hơn 40% trước những bậc thầy kỹ thuật của Nhật Bản là điều không nhiều đội tuyển châu Á làm được. Giữ bóng, chơi ngắn, kiểm soát theo cùng một cách như người Nhật lại càng khó khăn hơn. Nhưng chính bởi đã làm được điều khó khăn ấy, tuyển Việt Nam mới có sơ sở tạo nên những bất ngờ về mặt tỷ số.
Trong chuỗi 10 trận gần đây của Nhật Bản, chỉ hai lần họ để thủng lưới trên một bàn (lần khác là khi đá giao hữu cùng Thổ Nhĩ Kỳ). Đối đầu Việt Nam cũng là lần duy nhất họ bị dẫn trước (2-1 sau bàn thắng của Phạm Tuấn Hải ở phút 33). Không có triết lý kiểm soát của ông Troussier, những thành tựu ấy khó xuất hiện.
Xem Trực tiếp & Trọn vẹn Asian Cup 2023 trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/
Lối chơi ấy từng khiến ông thầy người Pháp bị chỉ trích dữ dội trong một năm qua. Nó cũng từng là nguyên nhân khiến ông Troussier thẳng tay gạt hàng loạt công thần kiểu Hoàng Đức, Tấn Tài, từng khiến dư luận quay lưng với ông, từng mang tới hình ảnh tuyệt Việt Nam nhợt nhạt, thiếu sức sống trong các trận giao hữu.
Nhưng chính phong cách ấy đến thời điểm này đã mang lại các trận cầu ấn tượng. Trận gặp Nhật Bản tối qua và trước đó là thua sát nút Iraq chứng minh HLV Troussier đã có lựa chọn chiến thuật hợp lý cho tuyển Việt Nam.
Đây chắc chắn là con đường đúng đắn cho Tuấn Hải và đồng đội, là hy vọng để tuyển Việt Nam bước tiếp ở Asian Cup 2023 này.
Đình Bắc (số 15) đang trên đường trở thành ngôi sao mới của đội tuyển. Ảnh: VFF. |
Niềm tin vào thế hệ trẻ
Đương nhiên, lối chơi cần có con người phù hợp. Đó là điểm sáng lớn kế tiếp của tuyển Việt Nam.
Trước Nhật Bản, đội hình xuất phát của ông Troussier chỉ còn duy nhất một cái tên từ Asian Cup 2019 là Đỗ Hùng Dũng. 10 vị trí còn lại hoặc là các tân binh, hoặc là nhóm tài năng trẻ. Tuyển Việt Nam ra sân với 4 vị trí trong độ tuổi U23 gồm Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Đình Bắc.
Cả bốn đều đã tỏa sáng theo các mức độ khác nhau.
Đội hình tuyển Việt Nam đấu Nhật Bản có tới 4 cầu thủ trong độ tuổi U23 là Tuấn Tài, Minh Trọng, Thái Sơn và Đình Bắc.
Người đầu tiên phải nhắc tới đương nhiên là Đình Bắc. Tuyển thủ Việt Nam trẻ nhất giải lần này ghi bàn đầu tiên bằng cú đánh đầu ngược có phần may mắn trước khi trực tiếp mang về quả phạt dẫn tới bàn thứ hai. Anh tỏ ra đĩnh đạc suốt hơn 60 phút có mặt trên sân, không ngại đi bóng, tự tin thể hiện kỹ thuật, điển hình như tình huống xâu kim ở phút 30 hay pha đột phá giữa 2-3 cái bóng áo xanh ở phút 62. Nhiều lần trong trận, các pha bóng táo bạo của Đình Bắc đã tạo ra khác biệt.
Ba người đồng đội của Bắc cũng chơi không tệ. Tuấn Tài tiến bộ đáng kể ở khía cạnh phòng ngự và là chủ nhân quả phạt mở ra bàn thứ hai, Thái Sơn vẫn ấn tượng ở giữa sân trong khi Minh Trọng lên công về thủ tương đối nhịp nhàng.
Lỗi lầm nếu có của bộ tứ này chỉ là pha để bóng chạm chân của Tuấn Tài trong bàn ấn định tỷ số 4-2 của Ayase Ueda ở phút 85. Nhưng công bằng mà nói, nếu không phải Tuấn Tài mà bất kỳ tuyển thủ Việt Nam nào khác cũng khó cản nổi cú sút ấy.
Đương nhiên, điều đó không có nghĩa lối chơi của tuyển Việt Nam đã hoàn thiện. Trừ tình huống mở tỷ số của Takumi Minamino, ba bàn của tuyển Nhật đều được ghi trong khoảng thời gian cuối mỗi hiệp. Đây là điều hiếm khi xảy ra dưới thời HLV Park Hang-seo. Điều đó phản ánh lối chơi đặc trưng của tuyển Nhật luôn cần nhiều thời gian để “làm nóng” nhưng cũng cho thấy tuyển Việt Nam hiện chưa có khả năng tập trung liên tục và duy trì nhịp độ suốt 90 phút. Đó cũng là hạn chế dễ thấy từ các cầu thủ trẻ khi phần lớn chỉ bắt đầu có vị trí chính thức tại đội tuyển trong khoảng nửa năm qua.
Hai trận gần nhất với các đối thủ đẳng cấp (Iraq và Nhật Bản), tuyển Việt Nam đều để thua theo cách này. Đó là điều HLV Troussier cần nhanh chóng rút kinh nghiệm cho các học trò trẻ.
Nhìn chung, 90 phút trước Nhật Bản là màn trình diễn đáng khích lệ của tuyển Việt Nam. Nhưng Tuấn Hải và đồng đội vẫn có thể tiến bộ hơn nữa. Đối đầu Indonesia ngày 19/1 có thể là cơ hội cho bước kế tiếp ấy.
Thông số chuyền bóng ấn tượng của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản. Đồ họa: AFC. |
Mục Thể thao giới cuốn sách nổi tiếng viết về bóng đá châu Phi mang tên "Bàn chân của tắc kè hoa" xuất bản vào năm 2010 của tác giả Ian Hawkey. Chân dung của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, cũng sẽ hiện lên phần nào trong cuốn sách này.