Về hội
tìm gặp nhau
Ngược mắt sâu gỡ lời bùa ngải
Ngực anh đá lăn qua, bước chân rơi vực lạ
Thương em như lửa cháy bếp nhà người
Giấu mặt vào bàn tay lấm khói
Vấn khăn cao vội ngược tiếng chiêng côi
Tháng giêng mùa hội đơm trời
Anh trở lại
Đường em đi sương giăng mặn lối
Điệu pồn pông lẻ bước anh. Em tội...
Lửa cháy trong mắt nhau thành giông bão tơi bời
Vò rượu say bao người
Cồng chiêng vui bao người
Chỉ hai ta nhìn nhau giấu mặt vào khói cay mà khóc
Con chim chèo pheo bên đồi rí rức
Vẫn gọi tên anh như mấy mùa lỡ hội
Lỡ nhịp xường yêu lần hẹn cuối
Ngày vơi
Em đỏ mắt thắp tháng giêng chờ đợi
Em đỏ mắt theo người làm dâu
bây giờ gặp lại nhau
Ngược mắt sâu gỡ lời bùa ngải
Anh muộn mằn như con suối
Qua trăm thác ghềnh không kịp đổ về sông
Đêm pồn pôông
Tiếng chiêng anh không lời hát nối
Em đem câu xường yêu về ru con bên núi
Tháng giêng côi cút anh đi
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Cũng đành gọi những yêu thương vô cớ là bùa ngải, để tin rằng, ánh mắt giêng hai chẳng ngẫu nhiên mà gặp. Những con đường chẳng ngẫu nhiên lại dẫn về bên nhau, trên bậc thang nhẫn nại, bên bếp lửa ấp iu qua bao mùa nắng mưa giông gió.
Anh uống phải bùa trời ngày hội, em ướm phải bùa trời những lúc lên nương, bùa trời làm ta say. Thương nhau, bùa trời sưởi ấm những ầu ơ bé dại, đánh thức làn hương bao dung trong nếp áo cha, trong màu tóc mẹ, trong hơi thở bản làng. Ngẫu nhiên, cứ tưởng vậy mà thành xe kết, ai ngờ đâu những vẫy gọi phía chân mây thấp thỏm một màu huyền thuật.
Bùa trời không ai giải, thế mà mọi thứ bỗng trở thành xưa cũ. Đọc thơ Thy Sương thấy thương và tội nghiệp. Bởi dường như, ở một góc nào đó, bùa trời vẫn thức, như là chứng nhân vĩnh hằng của yêu thương, không bao giờ phai nhạt. Bùa trời không giải được mà số kiếp đã giăng lên đời ta một lần lỡ hẹn. Đừng giấu mặt vào khói cay mà khóc, ta thương nhau côi cút bên trời.