Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Logistics Việt Nam trước sức ép từ Temu, Shein

Ngành logistics đang đối mặt áp lực từ các nền tảng TMĐT quốc tế. Theo chuyên gia, cải tiến về tốc độ, chi phí và ứng dụng công nghệ là chìa khóa giúp hàng Việt cạnh tranh hiệu quả.

Thị trường Việt Nam đang có sự tham gia của nhiều nền tảng TMĐT, logistics nước ngoài. Ảnh: SPX.

Chia sẻ tại hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 20/11, ông Nguyễn Xuân Thảo - Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein và một số động thái từ các nền tảng giá rẻ khác như 1688, Taobao đang làm gia tăng áp lực cạnh tranh.

"Sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống thương mại điện tử (TMĐT), logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ", ông Thảo nhấn mạnh.

Do đó, ông cho rằng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là quy trình logistics để cải thiện khả năng cạnh tranh.

Logistics Việt Nam có thực sự chậm và kém?

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS) cho rằng logistics vẫn là điểm yếu khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, không chỉ trong việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài mà còn ngay trên thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng hiệu quả xu hướng tiêu dùng của người Việt để xây dựng kho hàng sát biên giới, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách tập trung hàng hóa tại những địa điểm gần khu vực tiêu thụ lớn nhất. Nhờ vậy, tốc độ giao hàng được rút ngắn đáng kể, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội.

"Các doanh nghiệp Việt Nam hiện tại có thể đáp ứng tốt các dịch vụ trong nội địa, nhưng vẫn cần những bước đột phá để trở thành một trung tâm logistics khu vực", ông Trung khẳng định.

hang Viet anh 1

Ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BTC.

Tuy nhiên, vị giám đốc cũng nhận định rằng Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, có tiềm năng vượt trội để trở thành trung tâm logistics khu vực. Theo đề án hiện tại, TP.HCM dự kiến xây dựng 8 trung tâm logistics, từ đó rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

"Chúng ta có thể học hỏi từ các sàn TMĐT, nơi luôn xây dựng những trung tâm logistics hiện đại để chia tách, phân phối hàng hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn xuất khẩu ra nước ngoài cũng cần tận dụng mô hình này. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là làm sao để logistics nhanh hơn, rẻ hơn", ông nhận định.

Ông Trung đồng thời nhấn mạnh rằng tốc độ và chi phí là 2 yếu tố then chốt trong lĩnh vực logistics. Mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã đáp ứng tốt nhu cầu nội địa, nhưng để mở rộng ra khu vực và quốc tế, họ cần cải tiến quy trình vận hành và ứng dụng công nghệ.

"Chúng ta cần xây dựng các hệ thống logistics liên kết chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ thương mại điện tử nội địa mà còn giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế một cách nhanh chóng và hiệu quả", ông chia sẻ.

Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp logistics Việt Nam thay đổi tư duy quản lý và tăng cường đầu tư vào công nghệ. Việc áp dụng các mô hình logistics hiện đại, lấy cảm hứng từ các tập đoàn thương mại điện tử lớn, sẽ là một hướng đi khả thi để Việt Nam cạnh tranh với các trung tâm logistics trong khu vực.

Lối đi cho logistics Việt

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.HCM nhận định việc phát triển logistic là điều tất yếu bởi Việt Nam là nước chuyên về xuất khẩu, đặc biệt lại sở hữu vị trí địa lý rất thuận lợi khi vừa có đường bộ, biển và hàng không.

Theo ông Hùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt tại các khu vực biên giới.

hang Viet anh 2

Các doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: BTC.

Việc tăng cường logistics xuyên biên giới được coi là yếu tố then chốt. Theo đó, xây dựng các kho ngoại quan tại biên giới sẽ không chỉ đẩy nhanh tiến độ thông quan mà còn tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế một cách hiệu quả hơn.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được nhấn mạnh là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng. Công nghệ này hỗ trợ truy xuất hàng hóa nhanh chóng, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và cải thiện độ chính xác trong quản lý kho bãi, qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, các rào cản về thuế quan và thủ tục hải quan cần được tháo gỡ để rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Tại TP.HCM, việc đầu tư xây dựng các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (fulfillment) dùng chung đang được đề xuất như một giải pháp giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian giao hàng. Những trung tâm này sẽ cung cấp hạ tầng chung cho nhiều doanh nghiệp, hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt trong phân phối hàng hóa ở các khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, các trung tâm phân phối chuyên biệt gắn với thuế quan cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thúc đẩy giao thương xuyên biên giới. Đây là mô hình đã được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng thành công nhờ khả năng linh hoạt vượt qua các hàng rào kỹ thuật và chính sách.

Bị buộc dừng khi chưa đăng ký, Temu vẫn cho khách đặt hàng, thanh toán

Bất chấp việc phải tạm dừng hoạt động để hoàn tất đăng ký theo quy định, Temu vẫn cho khách đặt hàng, thanh toán. Sàn này còn tung thêm chính sách mới với khách hàng Việt Nam.

Các sàn thương mại điện tử Việt đang ở đâu trước làn sóng Temu, 1688

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn thương mại điện tử quốc tế đang đẩy nhóm sàn nội địa "ra rìa". Hiện thị phần của những sàn nội như Tiki, Sendo chỉ chiếm phần nhỏ của thị trường.

Buộc Temu, Shein dừng hoạt động đến khi đăng ký xong trong tháng 11

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong quá trình các sàn TMĐT xuyên biên giới đăng ký hoạt động tại Việt Nam, các sàn phải dừng tất cả hoạt động dịch vụ, thương mại, quảng cáo.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Cẩm Tú

Bạn có thể quan tâm