Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam, kết thúc quý I/2021 mảng xe du lịch trong nước ghi nhận doanh số hơn 49.000 chiếc, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường ôtô hồi phục sau thời gian dài chịu tác động từ dịch bệnh. Tiếp nối kết quả khả quan này, một loạt tân binh được trình làng trong thời gian đã qua của quý II, tập trung ở các phân khúc xe gầm cao đang được người dùng Việt Nam ưa chuộng.
SUV đô thị
Sau thành công của Kia Seltos, Thaco đã giới thiệu liên tiếp 2 mẫu xe gầm cao mới trong tháng 4 là Mazda CX-3 và CX-30. Bộ đôi này khiến nhóm xe SUV cỡ nhỏ tầm 600-800 triệu đồng trở thêm phần chật chội và đầy cạnh tranh.
Ngoài 2 cái tên mới của Mazda, danh sách dài những mẫu xe đang so kè ở phân khúc này hiện có Kia Seltos (609-729 triệu đồng), Toyota Corolla Cross (720-910 triệu đồng), Honda HR-V (786-871 triệu đồng), Ford EcoSport (603-686 triệu đồng), Hyundai Kona (636-750 triệu đồng), Peugeot 2008 (739-829 triệu đồng) và MG ZS (519-619 triệu đồng).
Với CX-3 (629-709 triệu đồng) và CX-30 (839-899 triệu đồng), Mazda Việt Nam có được độ phủ tốt hơn các hãng xe khác nhờ sự đa dạng về mẫu mã, nhiều phiên bản. Bộ đôi này còn có điểm cộng ở sự phong phú về tính năng trang bị và nhập khẩu từ Thái Lan.
Dù vậy, một vài hạn chế ít nhiều sẽ khiến Mazda CX-3 và CX-30 khó tạo được sự bứt phá về doanh số trước 2 đối thủ mạnh hiện nay là Seltos và Corolla Cross. Cụ thể, CX-3 kém rộng rãi, thiết kế không hấp dẫn bằng Seltos và thua thiệt về thông số vận hành.
Trong khi đó, Mazda CX-30 lại có giá bán cao hơn mặt bằng chung của phân khúc, cộng với định hướng chinh phục nhóm người dùng trẻ khiến tập khách hàng hẹp nên sẽ không dễ để cạnh tranh được với Toyota Corolla Cross.
Kết thúc tháng 4/2021, Kia Seltos đang là mẫu SUV đô thị bán tốt nhất ở Việt Nam với doanh số cộng dồn 5.158 chiếc. Xếp theo sau lần lượt là Toyota Corolla Cross (3.909 xe), Hyundai Kona (1.413 xe), Honda HR-V (574 xe) và Ford EcoSport (480 xe).
Xe gầm cao 7 chỗ
Giai đoạn cuối năm 2020, nhiều dòng SUV 7 chỗ được giới thiệu phiên bản mới tại Việt Nam, có thể kể đến Kia Sorento, Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport hay Ford Everest facelift.
Tất cả đều nhằm mục tiêu cải thiện doanh số và thu hẹp khoảng cách với Hyundai Santa Fe, mẫu xe gầm cao gia đình bán tốt nhất trên thị trường vào thời điểm đó. Đến trung tuần tháng 5 vừa qua, hãng xe Hàn Quốc đã trình làng Santa Fe đời 2021 sau nhiều tháng rò rỉ thông tin.
Hyundai Santa Fe 2021 được sản xuất trong nước với 6 phiên bản. Ảnh: TC Motor. |
Với đợt nâng cấp này, Hyundai Santa Fe 2021 có giá bán cao hơn trước 35-95 triệu đồng, ở mức 1,03-1,34 tỷ đồng. So với Sorento (1,079-1,349 tỷ đồng) và Fortuner (995 triệu đồng - 1,426 tỷ đồng), Santa Fe mới khá tương đồng về giá bán và cũng có số lượng phiên bản đa dạng (6 model) với 2 tùy chọn động cơ xăng và động cơ diesel.
Sau khi ra mắt, Hyundai Santa Fe 2021 nhận được nhiều ý kiến phàn nàn của người dùng khi chuyển sang dạng cần số nút bấm, không có kiểm soát hành trình thích ứng và bản máy xăng 2.5L mới có thông số kém hơn đời xe cũ.
Nội thất của Santa Fe 2021 không có thay đổi lớn về thiết kế. Ảnh: TC Motor. |
Tuy vậy, Santa Fe 2021 nhìn chung vẫn là mẫu xe đáng gờm khi có thiết kế nội/ngoại thất mới bắt mắt hơn. Danh sách tiện nghi, an toàn cũng được bổ sung nhiều tính năng mới để thu hút các khách hàng vốn thích xe Hàn đẹp và nhiều option.
Trong thời gian tới, đối thủ chính của Santa Fe sẽ là Sorento, khi mà Fortuner hay Everest đã lâu chưa có sự thay đổi nào thật sự đáng kể khiến sức cạnh tranh với SUV Hàn Quốc suy giảm.
Tính đến hết tháng 4 vừa qua, Hyundai Santa Fe đang là dòng xe 7 chỗ bán chạy nhất trên thị trường với doanh số tích lũy 2.847 xe, xếp trên Kia Sorento (2.476 xe), Ford Everest (2.276 xe), Toyota Fortuner (2.036 xe)...
Xe bán tải
Sau thời gian dài ngừng công bố doanh số bán hàng và thanh lý model cũ, Isuzu D-Max và Nissan Navara đã có màn trở lại Việt Nam với các phiên bản đời 2021. Hai mẫu bán tải Nhật Bản lần lượt trình làng trong tháng 4 và 5 để cạnh tranh cùng Ford Ranger, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton hay Mazda BT-50.
Điểm chung của D-Max và Navara là sự thay đổi tích cực về thiết kế hiện đại và nam tính hơn trước. Đi cùng với đó, cả 2 mẫu pickup của Isuzu và Nissan đều có thêm nhiều tiện ích, an toàn mới để không còn thua thiệt về mặt trang bị trước Ranger, Hilux hay Triton.
Dù vậy, D-Max và Navara ít nhiều kém hấp dẫn khi xét đến thông số vận hành. Cả Isuzu và Nissan đều giữ nguyên cấu hình động cơ ở các model cũ trên D-Max 2021 và Navara facelift, trong khi các tùy chọn động cơ mới tốt hơn ở thị trường Thái Lan vẫn chưa xuất hiện.
Về giá bán, Isuzu D-Max có lợi thế khi 3 phiên bản có mức giá dao động 630-850 triệu đồng, phù hợp với nhóm khách hàng mua xe để làm dịch vụ hay chở hàng hóa.
Trong khi đó, 4 model Nissan Navara 2021 lại có giá bán thuộc diện cao nhất phân khúc (748-945 triệu đồng), đắt hơn cả Ford Ranger (616-925 triệu đồng), Toyota Hilux (628-913 triệu đồng), Mitsubishi Triton (600-865 triệu đồng) và Mazda BT-50 (579-749 triệu đồng).
Điểm khác biệt đáng kể nhất của Nissan Navara là cấu hình treo sau dạng đa liên kết cho khả năng vận hành êm ái hơn, hướng đến những người dùng mua bán tải cho gia đình, khác với các đối thủ dùng nhíp lá phù hợp để chở hàng nặng.
Thực tế, thương hiệu ít phổ biến của D-Max và giá bán đắt đỏ của Navara sẽ khiến 2 mẫu bán tải Nhật Bản khó lòng cạnh tranh sòng phẳng được với Ranger. Nhất là khi các phiên bản lắp ráp trong nước của Ranger sắp được giới thiệu và hứa hẹn có giá bán thấp hơn bản nhập Thái.
Sau nửa tháng trình làng, Isuzu D-Max đã bán được 30 xe, kém xa doanh số 4 tháng đầu năm của Ford Ranger là 5.364 chiếc. Doanh số tương ứng của Toyota Hilux là 1.084 xe, Mitsubishi Triton bán được 758 xe và Mazda BT-50 tiêu thụ 465 xe.