Doanh số iPhone suy giảm, tình hình thị trường Trung Quốc, kiện tụng với chính phủ Mỹ là những thách thức đang bao vây Apple.
|
Doanh số iPhone giảm. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, doanh số iPhone trên toàn cầu trong quý I giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này phản ánh tình trạng khó khăn của Apple tại Trung Quốc, và đáng lo ngại khi iPhone chiếm gần một nửa doanh thu công ty. Báo cáo tài chính quý tiếp theo sẽ được Táo khuyết công bố vào ngày 2/5, doanh thu dự kiến giảm 5% theo dự đoán của nhà phân tích. Ảnh: Bloomberg. |
|
Kiện tụng với chính phủ Mỹ. Vào tháng 3, Bộ Tư pháp Mỹ và 16 luật sư đã nộp đơn kiện Apple, cáo buộc công ty cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép đối thủ và ngăn cản người dùng chuyển sang smartphone của thương hiệu khác. Giữa vòng xoáy kiện tụng, Táo khuyết có một số động thái như cho phép phát hành công cụ stream, giả lập game trên App Store (ảnh), áp dụng tiêu chuẩn nhắn tin RCS cho iMessage từ cuối năm nay. Ảnh: MobileSyrup. |
|
Áp lực từ Liên minh châu Âu (EU). Có hiệu lực từ tháng 3, Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU yêu cầu các hãng công nghệ lớn tuân thủ hàng loạt quy định, ví dụ như cho phép cài kho ứng dụng bên thứ ba, tạo điều kiện để người dùng chuyển sang nền tảng đối thủ... Phía Apple cho rằng những thay đổi này có thể ảnh hưởng trải nghiệm người dùng, khiến thiết bị kém bảo mật hơn. Tuy nhiên, Táo khuyết vẫn “miễn cưỡng” áp dụng một số thay đổi tại EU để tuân thủ quy định. Ảnh: Bloomberg. |
|
Chưa bắt kịp xu hướng AI. Apple dường như đang hụt hơi trước Google, Microsoft trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Để bắt kịp đối thủ, tin đồn cho rằng Táo khuyết đang đàm phán tích hợp mô hình Gemini của Google lên iPhone, thảo luận với OpenAI, Baidu cho một số tính năng AI trên iOS 18. Những kế hoạch mới nhất có thể được công ty chia sẻ tại hội nghị lập trình viên (WWDC) diễn ra vào tháng 6. Ảnh: Bloomberg. |
|
Khó khăn tại Trung Quốc. Theo Counterpoint Research, doanh số iPhone tại Trung Quốc trong 6 tuần đầu năm giảm 24%. Sự vươn lên của các thương hiệu nội địa, lệnh cấm sử dụng thiết bị nước ngoài trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước Trung Quốc gây áp lực lớn. Điều này khiến Apple phải chạy khuyến mãi để thúc đẩy doanh số, vài nhà bán lẻ thậm chí bán iPhone thấp hơn 180 USD so với giá thông thường. Ảnh: Bloomberg. |
|
Apple Car bị hủy bỏ. Dự án phát triển xe điện của Apple được cho đã kết thúc vào tháng 2. Dù mang đến tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư, điều này đồng nghĩa Táo khuyết mất đi nguồn doanh thu tiềm năng. Chi phí sản xuất lớn khiến giá bán xe điện Apple có thể lên đến 100.000 USD, khả năng đẩy cao doanh thu trong ngắn hạn. Dù vậy, hãng vẫn tích cực tìm kiếm “sản phẩm lớn” tiếp theo khi tin đồn phát triển robot thông minh xuất hiện sau đó ít lâu. Ảnh: Vanarama. |
|
Tìm kiếm người dùng Vision Pro. Thiết bị “điện toán không gian” đầu tiên của Apple lên kệ từ ngày 2/2, gây ấn tượng với một số người dùng và giới chuyên môn. Dù vậy, giá bán 3.500 USD và nhu cầu thực tế vẫn là rào cản lớn. Nhiều đánh giá cho thấy Vision Pro quá nặng khi đeo trong thời gian dài, bên cạnh lượng app hỗ trợ chưa nhiều. Theo Bloomberg, một số thách thức cho công ty là giúp Vision Pro thoải mái, giá rẻ và có khả năng tiếp cận người dùng phổ thông, dù quá trình này có thể mất nhiều năm. Ảnh: Wired. |
|
Thị trường tablet ảm đạm. Hơn 10 năm sau khi iPad xuất hiện, thị trường máy tính bảng không còn sôi động như trước. Theo IDC, tổng doanh số tablet năm 2023 xuống mức thấp nhất kể từ 2011. Đây không phải vấn đề của riêng Apple, nhưng iPad là dòng máy chiếm hơn 40% thị phần. Nhiều người có xu hướng chuyển sang smartphone màn hình lớn hoặc quay lại laptop. Sau một năm không ra mắt tablet, Apple được kỳ vọng trở lại với một số thiết bị như iPad Air 12,9 inch và iPad Pro màn hình OLED. Ảnh: Bloomberg. |
|
Rắc rối pháp lý vì Apple Watch. Trong một động thái hiếm hoi, Táo khuyết phải tạm dừng bán Apple Watch Series 9 và Ultra 2 tại Mỹ do thua kiện trước nhà sản xuất thiết bị y tế Masimo, liên quan đến công nghệ đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Smartwatch là trọng tâm của mảng kinh doanh thiết bị đeo, phụ kiện và nhà thông minh. Dù Apple đã vô hiệu hóa tính năng để bán lại các model, điều đó vẫn tác động lớn đến danh tiếng của công ty, có thể ảnh hưởng kế hoạch bổ sung tính năng mới lên đồng hồ thông minh trong tương lai. Ảnh: Bloomberg. |
|
“Chảy máu” nhân tài. Một số nhân vật chủ chốt trong bộ phận thiết kế đã rời Apple, gồm nhà thiết kế công nghiệp cấp cao Bart Andre, Colin Burns, Shota Aoyagi và Peter Russell-Clarke. Hiện tại, đội ngũ thiết kế công nghiệp và giao diện người dùng nằm dưới quyền giám sát của Giám đốc Vận hành Jeff Williams. Theo Bloomberg, tình trạng lãnh đạo chuyên vận hành nhưng giám sát bộ phận thiết kế và sáng tạo khiến một số nhân viên khó chịu. Sự bất ổn tăng cao khi áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí. Ảnh: Cult of Mac. |
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Bài liên quan
Câu hỏi đáng sợ cho Apple
Nếu không trả lời được câu hỏi "đâu là sản phẩm bùng nổ tiếp theo", đà tăng trưởng của Táo khuyết có thể bị ảnh hưởng mạnh.