Chuyên gia cho rằng thay đổi này càng khiến công dân Trung Quốc bị tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới. Ảnh: Jorge Quinteros. |
Apple đã xóa 2 mạng xã hội WhatsApp và Threads, cùng thuộc sở hữu của Meta, khỏi cửa hàng ứng dụng App Store ở Trung Quốc. Theo CNN, động thái này đáp lại yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, nhà sản xuất iPhone cũng đã loại bỏ các dịch vụ nhắn tin khác như Telegram và Signal. Là hãng công nghệ luôn tuân thủ chế độ kiểm duyệt Internet gắt gao bậc nhất thế giới của Trung Quốc, Apple cho biết Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh gỡ bỏ các ứng dụng này vì lo ngại an ninh quốc gia.
“Chúng tôi có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp ở những quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, ngay cả khi chúng tôi không đồng ý”, đại diện Táo khuyết khẳng định.
Trung Quốc là quốc gia quan trọng đối với Apple. Đây là thị trường lớn nhất bên ngoài Mỹ và là cơ sở sản xuất chính của Táo khuyết. CEO Tim Cook đã đến thăm nước này vào đầu năm nay, nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia này đối với hoạt động kinh doanh của tập đoàn. Apple từ lâu cũng nói rằng họ cần tuân thủ luật pháp địa phương để vận hành hiệu quả cửa hàng ứng dụng App Store ở các quốc gia khác nhau.
Yêu cầu này được đưa ra ngay sau dự luật làm sạch Internet được các cơ quan quản lý Trung Quốc khởi xướng vào năm 2023. Dự luật này dự kiến xóa nhiều ứng dụng không còn tồn tại hoặc chưa đăng ký khỏi các cửa hàng ứng dụng iOS và Android trong nước, bao gồm cả các cửa hàng ứng dụng nội địa.
Hồi tháng 8, Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các nhà phát triển ứng dụng di động hoặc đăng ký với chính phủ trước cuối tháng 3, hoặc phải ngừng hoạt động. Đây là biện pháp mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhằm thắt chặt kiểm soát không gian mạng nội địa, buộc các công ty Internet phải xóa bỏ những thông tin nhạy cảm chính trị. Ngoài ứng dụng, các trang web và mô hình AI ngôn ngữ lớn cũng phải chịu nhiều hạn chế về nội dung.
Vạn lý tường lửa (Great Firewall) đã giúp các ứng dụng nội địa như WeChat của Tencent chiếm ưu thế tại Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock. |
Từ lâu, Trung Quốc đã chặn các ứng dụng và công ty công nghệ của Mỹ, bao gồm Facebook và Instagram cũng thuộc sở hữu của Meta. WhatsApp là một trong những dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất thế giới, nhưng bị lấn át bởi app nội địa WeChat, trong khi Threads không được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân luôn nổi tiếng với hệ thống tường lửa phức tạp để chặn các ứng dụng và trang web nước ngoài, được gọi là Vạn lý Tường lửa (Great Firewall).
Tuy nhiên, theo New York Times, cho đến ngày 19/4, người dùng Trung Quốc vẫn có thể tải xuống WhatsApp và sử dụng thông qua VPN. Đây là công nghệ thường xuyên được sử dụng để kết nối web bảo mật và xem nội dung bị cấm ở Trung Quốc.
Rich Bishop, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của AppInChina, cho biết các ứng dụng ít nhạy cảm hơn như Duolingo dự kiến sẽ tuân thủ quy định xin cấp phép mới nhất để tiếp tục hoạt động tại đây.
Bishop đã nhận được hàng chục câu hỏi từ các công ty về cách tuân thủ và phát hành phần mềm ở Trung Quốc. “Điều này có nghĩa là người dùng Trung Quốc bị giới hạn khá nhiều và chỉ gói gọn trong các ứng dụng Trung Quốc, cùng với một số ít ứng dụng quốc tế. Đây cũng là một sự thay đổi lớn và sẽ khiến công dân Trung Quốc bị tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới”, CEO của AppInChina nhận định.
Hành động chống lại các dịch vụ công nghệ Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ từng bước thực hiện lệnh cấm TikTok, ứng dụng video nổi tiếng của ByteDance. Các chính trị gia Mỹ cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia khi buộc công ty này phải bán mình cho chủ mới, miễn là không phải người Trung Quốc. Nếu không, TikTok sẽ bị cấm tại thị trường Mỹ.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn