Sau cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục hội đàm với các nhà lãnh đạo của Australia, Pháp và Hàn Quốc - 3 đồng minh quan trọng của Mỹ - vào ngày 15/11.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và 3 quốc gia này đã chuyển biến xấu theo các mức độ khác nhau, do căng thẳng địa chính trị gia tăng, tranh chấp thương mại và đại dịch Covid-19.
Mặc dù kỳ vọng thay đổi mối quan hệ còn thấp, các cuộc gặp bên lề có thể giúp các nước ngăn chặn bất đồng và nối lại đường dây liên lạc, tương tự cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Biden.
Dấu hiệu hạ nhiệt
Trong cuộc gặp vào ngày 14/11, ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình chào nhau bằng cái bắt tay dài và chắc chắn, cả hai đều mỉm cười khi đứng trước hàng quốc kỳ của Mỹ và Trung Quốc, theo CNN.
"Tôi cam kết giữ mối liên lạc cá nhân cởi mở, vì hai quốc gia của chúng ta có rất nhiều điều mà chúng ta có cơ hội xử lý", ông Biden nói.
“Theo quan điểm của tôi, với tư cách các nhà lãnh đạo, chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm để chứng tỏ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể giải quyết khác biệt, ngăn cạnh tranh trở thành xung đột và tìm cách làm việc cùng nhau trong các vấn đề cấp bách, toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác chung”, ông Biden cho biết thêm.
Tổng thống Joe Biden hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 14/11. Ảnh: Reuters. |
Đáp lại Tổng thống Biden, Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết sẽ giữ liên lạc qua video và bày tỏ mong muốn hợp tác nhằm đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại con đường phát triển ổn định, mang đến nhiều lợi ích hơn cho cả hai quốc gia và thế giới", Reuters đưa tin.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến sự ở Ukraine.
“Ông Tập nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là rõ ràng và nhất quán”, CNN dẫn thông báo của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV.
New York Times cũng đưa tin ông Tập và ông Biden đã nhất trí tái khởi động quá trình đàm phán về chống biến đổi khí hậu giữa 2 quốc gia.
Một ngày sau đó, vào sáng 15/11, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục lịch trình bận rộn với cuộc hội đàm cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trước khi cả hai nhà lãnh đạo xuất hiện tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20.
Giống như nhiều nước châu Âu khác, Pháp đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong những năm gần đây và ngày càng coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh.
Cuộc gặp đáng mong đợi
Trong phần lớn thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, ông Tập chỉ giới hạn hoạt động ngoại giao tại các hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và không rời khỏi Trung Quốc. Do đó, các cuộc hội đàm bên lề hội nghị G20 lần này đánh dấu sự trở lại của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Trong đó, hoạt động ngoại giao trực tiếp được mong đợi nhất của ông Tập vào ngày 15/11 có lẽ là cuộc gặp với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, một phần vì quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đã xấu đi đáng kể trong những năm qua.
Sau cuộc gặp với ông Tập, Thủ tướng Albanese nhận định "đây là một bước quan trọng hướng tới ổn định quan hệ Trung Quốc Australia". Ông cho biết hai bên đã thảo luận về các vấn đề thương mại và lãnh sự, đồng thời khẳng định hai nước cần hợp tác hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng, theo Reuters.
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Trung Quốc và Australia vướng vào tranh chấp thương mại gay gắt, và đóng băng quan hệ ngoại giao kể từ đầu năm 2020, khi Trung Quốc áp thuế đối với Australia sau khi nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Lần gần nhất nhà lãnh đạo hai nước gặp mặt là khi người tiền nhiệm của Thủ tướng Albanese, ông Scott Morrison, tiến hành các cuộc thảo luận không chính thức với ông Tập tại hội nghị G20 ở Nhật Bản, vào năm 2019.
Cuộc gặp song phương chính thức gần nhất giữa hai nước diễn ra vào năm 2016, khi cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Thông báo về cuộc gặp với ông Tập sau khi đến Bali, ông Albanese cho biết đây là một “kết quả thành công”, đồng thời chỉ ra việc hai nước thiếu đối thoại ở cấp cao nhất trong nhiều năm.
“Việc không đối thoại với các đối tác thương mại lớn không có lợi cho Australia”, ông nói với các phóng viên, nói thêm rằng không có điều kiện tiên quyết nào cho cuộc gặp.
“Tôi hy vọng sẽ có cuộc thảo luận mang tính xây dựng với ông Tập”, ông Albanese cho biết.
Song một số chuyên gia không kỳ vọng cuộc gặp giữa ông Tập và ông Albanese có thể làm mới hoàn toàn mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước.
“Các mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc về cơ bản mâu thuẫn với lợi ích cốt lõi của Australia”, chuyên gia chính sách người Australia John Lee, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson ở Washington và là cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Australia, cho biết.
“Đó có thể là phương pháp ngoại giao để điều chỉnh một số (vấn đề), nhưng không phải (bước đi) thực chất để hai bên thực sự tiếp cận với thiện chí và sẵn sàng thỏa hiệp”, vị chuyên gia nói thêm.
Những cuốn sách nên đọc để hiểu G20
Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 đang diễn ra tại Bali, Indonesia, Zing giới thiệu tới độc giả ba cuốn sách để hiểu hơn về cơ chế đa phương này.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.