Anh thử nghiệm vi khuẩn bệnh than trên đảo
Vào năm 1942, chính phủ Anh muốn thử nghiệm vi khuẩn bệnh than để biến nó thành vũ khí sinh học trong cuộc chiến chống phe phát xít (gồm Đức, Italy, Nhật). Họ cần một nơi để thực hiện các thử nghiệm. Vì thế họ chọn Gruinard - một hòn đảo chỉ cách bờ biển Scotland khoảng vài trăm mét.
Đảo Gruinard là nơi rất ít người sống. Do phần lớn dân trên đảo đã di cư từ những năm 30 trở về trước, người Anh cho rằng nó là nơi lý tưởng để thử nghiệm những tác động của bệnh than. Họ đưa khoảng 60 con cừu lên đảo và sau đó ném một quả bom chứa vi khuẩn bệnh than về phía chúng. Đương nhiên lũ cừu chết, The Guardian đưa tin.
Sau đó phi cơ Anh ném nhiều quả bom khác lên đảo trong năm 1942 và 1943. Vào thời điểm đó, chẳng ai phản đối, bởi nó là một nỗ lực trong chiến tranh. Nhưng vấn đề thực sự đã phát sinh sau đó. Vào năm 1945, chủ nhân của Gruinard muốn mua lại đảo, nhưng chính phủ Anh tuyên bố nó không còn là nơi phù hợp để con người và động vật cư trú. Chính phủ khẳng định chủ nhân của đảo, hoặc những người thừa kế tài sản của ông, sẽ có quyền mua lại hòn đảo với giá 500 bảng sau khi quá trình khử vi khuẩn bệnh than trên đảo kết thúc.
Biển cảnh báo của chính phủ Anh trên đảo Gruinard. Ảnh: stanford.edu |
Nhiều vấn đề khác bắt đầu phát sinh khi những tử thi nhiễm bệnh than dạt vào Scotland và truyền bệnh sang động vật. Nhưng chính phủ Anh không hề cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm vi khuẩn bệnh than trên đảo Gruinard. Nhiều người dân Scotland còn cảm thấy thú vị khi quan sát những hoạt động quân sự cách họ vài trăm mét. Binh sĩ khử vi khuẩn bằng cách phun hỗn hợp gồm nước và fomaldehyde. Thế nhưng, khi quá trình khử vi khuẩn kết thúc, một số nghị sĩ lại nảy ra một ý tưởng mới: Biến đảo Gruinard thành nơi chứa chất thải hạt nhân.
Cuộc sống hãi hùng của bệnh nhân tâm thần trên đảo thuộc Italy
Ảnh minh họa: Corbis |
San Servolo là hòn đảo gần bờ biển Italy. Ngày nay một bảo tàng trên đảo giúp người ta hiểu rõ quá khứ rùng rợn của nó. Bảo tàng ấy từng là một bệnh viện mà người ta thành lập vào thế kỷ 18 để điều trị cho binh sĩ bị thương. Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19, nó trở thành một bệnh viện tâm thần.
Những phương pháp điều trị ở đây rất lạ lùng. Một trong những biện pháp chủ yếu là cách ly bệnh nhân tâm thần và để họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng hoàn toàn. Theo tiêu chuẩn y tế ngày nay, những biện pháp ấy rất vô nhân tính.
Khi vào bảo tàng, khách tham quan sẽ thấy những dụng cụ dành cho việc khống chế bệnh nhân như xích, còng. Thậm chí các bác sĩ ngày xưa còn áp dụng cả liệu pháp sốc điện hay đối thoại giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Thảm kịch của nhà máy vũ khí trên đảo của Mỹ
Trong quá khứ, những nhà máy sản xuất đạn là nơi rất nguy hiểm. Một thảm kịch trên đảo Brown’s Island của Mỹ là một trong những bằng chứng về tình trạng đó. Vào năm 1863, người ta chặt cây trên đảo để xây dựng hàng loạt ngôi nhà bằng gỗ. Chúng là nhà máy đạn của chính phủ Mỹ.
Vào ngày 13/3/1863, một sự kiện khó tin đã xảy ra. Nhà máy đạn nổ tung, thổi bay những ngôi nhà xung quanh nó. Phần lớn người cư trú trong những ngôi nhà ấy là phụ nữ và trẻ em. Mary Ryan, một nữ công nhân nhập cư gốc Ireland, vô tình gây nên vụ nổ khi cô đập một thùng chứa kíp nổ vào một bàn để kíp nổ rơi ra ngoài.
Vụ nổ phá hủy phần lớn nhà xung quanh nhà máy. 44 phụ nữ trẻ thiệt mạng và nhiều người trong số họ chết rất nhanh. Hàng chục người khác mù hoặc bỏng. Sau khi thừa nhận trách nhiệm đối với thảm kịch, Mary Ryan cũng chết vì những vết thương vào ngày 16/3.
Nhà máy tiếp tục sản xuất vào cuối tháng 3 sau khi người ta tuyển đủ công nhân để thay thế những người thiệt mạng trong vụ nổ.