Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 công bố gói vũ khí giá 700 triệu USD cho Ukraine. Trong gói vũ khí mới, lần đầu tiên Mỹ gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) nhằm giúp nước này phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga ở miền Đông.
Một quan chức cấp cao mô tả việc cung cấp vũ khí này sẽ cho phép Ukraine "tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường từ khoảng cách xa hơn".
HIMARS đến tay Ukraine giữa lúc Mỹ cố gắng khéo léo giữa việc củng cố khả năng phòng thủ của Kyiv mà không càng làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và phương Tây, theo Financial Times.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp lại thông báo của phía Mỹ bằng lời đe dọa dành cho Ukraine. Nếu phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, "(Nga) sẽ nhắm vào những mục tiêu chưa bị đánh trúng", ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1.
Hệ thống Mỹ mới gửi cho Ukraine có khả năng gì?
HIMARS là hệ thống tiên tiến có bệ phóng di động, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa từ 60 đến gần 500 km tùy thuộc vào loại đạn sử dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl, ban đầu, Washington sẽ gửi 4 hệ thống. Quá trình huấn luyện lực lượng Ukraine sẽ mất ít nhất 3 tuần.
Các quan chức cho hay Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS), còn gọi là pháo phản lực phóng loạt tầm xa, để sử dụng cùng HIMARS. Vũ khí này cho phép lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu cách xa 70 km. Từ đó, phạm vi hoạt động của quân Ukraine sẽ rộng hơn đáng kể so với các loại lựu pháo mà nước này đang sử dụng.
Mỗi hệ thống HIMARS có thể loại bỏ bệ tên lửa đã qua sử dụng và thay thế bằng bệ tên lửa mới trong vòng vài phút mà không có các phương tiện khác hỗ trợ.
Theo quân đội Mỹ, HIMARS lắp trên một chiếc xe tải hạng nặng, kéo bệ phóng có thể chứa đến 6 GMLRS.
Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine HIMARS sau khi Kyiv đảm bảo họ sẽ không sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Chính quyền Mỹ đã áp đặt điều kiện nhằm cố gắng tránh leo thang căng thẳng.
"Ukraine đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng hệ thống này chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết khi xuất hiện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Ukraine cũng yêu cầu Washington cung cấp các loại tên lửa tầm xa có thể được sử dụng với HIMARS, được gọi là hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), có tầm bắn lên tới 300 km. Tuy nhiên, các quan chức cho biết Mỹ sẽ không chuyển những thứ này.
Thứ trưởng Kahl nói rằng Mỹ đã thảo luận kỹ với Ukraine về khả năng cung cấp các loại vũ khí và đánh giá GMLRS “có thể đáp ứng chính xác bất kỳ mục tiêu nào mà họ cần”.
“Chúng tôi đánh giá họ không cần những hệ thống có tầm bắn hàng trăm km cho cuộc chiến hiện tại”, ông nói, đồng thời cho biết thêm Mỹ sẽ cung cấp thêm đạn dược khi cuộc chiến tiếp diễn và sẽ tiến hành “quy trình luân phiên” để đánh giá liệu Ukraine có cần thêm HIMARS hay không.
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS). Đồ họa: Financial Times. |
Ukraine có thể sử dụng các loại tên lửa mới được hỗ trợ thế nào?
Kyiv từ lâu đã mong muốn có những hệ thống vũ khí để giao tranh lực lượng Nga từ khoảng cách xa hơn. Nước này nói rằng hệ thống vũ khí tầm xa cần thiết để lực lượng Ukraine giữ vững vị trí hiện tại và bắt đầu phản công.
Trong vài ngày qua, Nga đã đạt được bước tiến trong và xung quanh Donbas. Do đó, Ukraine nói cần thúc đẩy hỏa lực tầm xa nhằm phòng thủ trước Moscow trong một trận địa chủ yếu dùng pháo kích.
Hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp không chỉ có tầm bắn xa hơn mà còn mạnh hơn so với lựu pháo, phương tiện bay không người lái và tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng vác vai mà các nước phương Tây cung cấp cho đến nay.
“Tổng thống đã nói nhiều lần rằng nếu chúng tôi nhận được những vũ khí này từ trước, tình hình đã rất khác, Nga sẽ kiểm soát được ít khu vực hơn”, Yuriy Sak - cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - nói với Financial Times.
Các nhà phân tích cho rằng Ukraine có thể sử dụng các hệ thống tên lửa tiên tiến để giành lợi thế trong trận địa pháo ở khu vực Donbas.
Theo chuyên gia Mark Cancian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), HIMARS cung cấp thêm sức mạnh hỏa lực, đặc biệt hữu ích để chống lại pháo binh của đối phương.
“Khi xuất hiện các đơn vị pháo binh của đối phương (trong chiến trận), điều cần thiết là phải hạ chúng thật nhanh chóng bằng hỏa lực”, ông nói. “Hỏa lực phản công (tấn công pháo binh của đối phương) rất quan trọng vì Nga không ngại sử dụng hỏa lực. Do đó, pháo binh Nga được chứng minh là mối đe dọa lớn đối với lực lượng Ukraine”.
HIMARS dự kiến đến Ukraine sau khoảng một tháng nữa, sau khi lực lượng nước này hoàn thành khóa huấn luyện. Các quan chức Mỹ từ chối cho biết nơi đào tạo với lý do lo ngại an ninh.
Ngoài ra, mới đây Ukraine nhận cả pháo phản lực M777 từ Mỹ. M777 là loại pháo bắn trực diện có tầm xa nhất của Mỹ, với tầm bắn lên tới 30 km.
Tầm bắn này xa hơn 5 km so với pháo tự hành Msta-S, hệ thống pháo phổ biến nhất mà Nga triển khai tại Ukraine. M777 có thể bắn xa hơn Msta-S 16 km nếu dùng đầu đạn đặc thù.
Trước đó, hôm 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết nước này đã nhận được lô tên lửa chống hạm Harpoon từ Đan Mạch. Theo ông Reznikov, loại vũ khí này sẽ được sử dụng trong nỗ lực phá vỡ thế phong tỏa biển Đen và bảo vệ thành phố cảng Odessa, song song với tên lửa Neptune do Kyiv tự chế tạo.
Harpoon là loại tên lửa diệt hạm tầm xa hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có thể được bắn từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay hoặc bệ phóng trên bờ biển.
Theo cựu đại tá hải quân Mỹ Chris Carlson, tên lửa Harpoon có thể giúp Hải quân Ukraine tăng cường tầm hoạt động nhằm chống lại các tàu thuộc Hạm đội biển Đen của Nga, USNI News đưa tin.
Loại tên lửa này giúp giảm áp lực lên lục quân Ukraine bảo vệ Odessa trước nguy cơ Hạm đội biển Đen tổ chức đổ bộ từ hướng biển. Qua đó, Kyiv có thể điều lực lượng này tới vùng chiến sự ở phía đông đất nước.
Ngoài ra, các căn cứ hậu cần của Hạm đội biển Đen tại Sevastopol cũng có thể bị đe dọa, ảnh hưởng tới khả năng bổ sung tên lửa cho tàu chiến Nga sau khi hoàn thành nhiệm vụ.