Ông David Tse, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Rakuten Viber chia sẻ về những con số của ứng dụng nhắn tin tại Việt Nam. |
Vấn đề bảo mật và quyền riêng tư ngày càng được nhấn mạnh trên smartphone. Kể cả đến hiện nay, người dùng vẫn truyền tai nhau giai thoại rằng chỉ cần nhắc đến sản phẩm hay dịch vụ nào khi nói chuyện với nhau, điện thoại sẽ "nghe lén" và ngay sau đó ứng dụng mạng xã hội sẽ hiển thị quảng cáo liên quan.
Việc điện thoại "nghe lén" đã được chứng minh là không đúng. Dù vậy, nội dung cuộc trò chuyện qua ứng dụng hay tìm kiếm vẫn là những thông tin được nhiều ứng dụng sử dụng để nhắm quảng cáo đến người dùng. Trong nhiều trường hợp, điều này làm cho người dùng khó chịu, như tin nhắn quảng cáo về dịch vụ taxi sẽ xuất hiện ngay trước ngày người dùng bay đến một thành phố mới.
Mất riêng tư, lộ nội dung tin nhắn nhạy cảm là những lo lắng lớn nhất của người dùng, theo chia sẻ của đại diện vùng Rakuten Viber trong sự kiện gần đây tại Hà Nội. Đây là lý do nhiều ứng dụng nhắn tin giới thiệu tính năng mã hóa đầu cuối, trong đó tin nhắn được mã hóa và chỉ thiết bị của người dùng, người nhận biết được nội dung.
"Chúng tôi muốn nói rõ là chúng tôi không thể truy cập dữ liệu người dùng, không đọc được nội dung tin nhắn của họ. Do đó, chúng tôi không thể làm lộ dữ liệu người dùng", bà Mariia Martyrosian, Giám đốc Sáng tạo Tiếp thị & PR Toàn cầu, mảng B2B của Rakuten Viber khẳng định.
Mức độ bảo mật cao là một trong những điểm nhấn để Viber mở rộng đối tượng khách hàng. Theo số liệu từ nghiên cứu của ứng dụng tại Việt Nam, lý do lớn nhất để người dùng chọn Viber là đảm bảo bảo mật và riêng tư, sau đó là dễ sử dụng và miễn phí. Tất nhiên, con số có thể chưa phản ánh toàn bộ nhu cầu của người dùng Việt Nam, vì Viber không phải ứng dụng nhắn tin chiếm đa số thị phần trong nước.
Nghiên cứu của Viber cũng cho thấy phần lớn (67%) người dùng ứng dụng này ở tuổi 25-50, ở giai đoạn có kinh tế tốt nhất. 64% người dùng sử dụng hệ điều hành iOS, được coi là nhóm người dùng có khả năng chi tiêu tốt hơn. Theo chia sẻ của ông Hoàng Nam Đức, Trưởng nhóm phát triển kinh doanh của Rakuten Viber tại thị trường Việt Nam, đây là những ưu điểm để họ mở rộng ra nhóm khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp.
Gần đây, ứng dụng chat này giới thiệu tính năng gửi OTP dành cho doanh nghiệp. Một số đối tác của Viber hiện cũng cung cấp những tính năng như hỗ trợ khách hàng làm thủ tục, chọn chỗ trên máy bay, hoặc tra thông tin gói cước.
Một trong những hình thức kinh doanh của Viber là bán quảng cáo cho doanh nghiệp để tiếp cận với người dùng. Việc đảm bảo cân bằng giữa bài toán kinh doanh và đảm bảo sự riêng tư, bảo mật cho người dùng là bài toán mà ứng dụng này cần giải được.
Viber đang muốn tập trung vào lượng khách hàng doanh nghiệp hoặc người dùng có mức chi trả cao. Ảnh: TA. |
Ông David Tse cho biết ứng dụng sẽ chỉ chia sẻ những thông tin mà người dùng đã cho phép khi bắt đầu sử dụng, như giới tính, độ tuổi, hoặc loại thiết bị họ sử dụng. Tuy nhiên, những nội dung tin nhắn, bao gồm các thông tin nhạy cảm mà người dùng có thể không muốn chia sẻ, sẽ được đảm bảo.
"Có sự khác biệt giữa quảng cáo cá nhân hóa và xâm phạm thông tin riêng tư của người dùng. Chúng tôi chỉ hỗ trợ tạo ra những quảng cáo cá nhân hóa", bà Martyrosian chia sẻ thêm.
Trong sự kiện, đại diện của Rakuten Viber cũng cho biết việc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nằm trong kế hoạch của ứng dụng này, nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý. Luật Viễn thông năm 2023 đưa các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Cụ thể, Điều 21 Luật Viễn thông 2023 đã đưa ra các quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.