Thị trường âm nhạc Việt cuối năm được dự đoán rất sôi động với nhiều đêm nhạc chuẩn bị diễn ra. Uyên Linh tổ chức live concert ở Hà Nội, TP.HCM để kỷ niệm 15 năm ca hát. Nhằm đánh dấu cột mốc 30 năm vào nghề, Hà Trần cũng chọn lựa tổ chức live concert mang tên Thiên hà tinh khôi tại TP.HCM ngày 10/8 và Hà Nội vào 24/8. Sau chưa đầy một năm kể từ khi tổ chức thành công show 1589, Trung Quân Idol sắp thực hiện live concert 1689 với khách mời Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Hương Tràm, Suboi...
Bên cạnh đó là live show của Phương Thanh tại Hạ Long, TP.HCM dự kiến được tổ chức vào tháng 9 hay của Cẩm Ly tại Nhà hát Hòa bình vào 3/8…
Live show bùng nổ ở Vpop
Đêm nhạc tại Việt Nam được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn mini show, live show. Theo nhạc sĩ, nhà sản xuất Anh Tú, live show, live concert có quy mô lớn hơn nhiều so với mini show, đồng thời đòi chất lượng âm thanh, ánh sáng cao hơn và quan trọng nhất là phải có câu chuyện kết nối, thống nhất các tiết mục. Trong khi đó, với mini show, nghệ sĩ biểu diễn không khác gì sự kiện thông thường.
Nửa đầu năm, một số live concert đã diễn ra thành công và địa điểm tổ chức chủ yếu của các nghệ sĩ là TP.HCM, Hà Nội. Các show diễn có lượng khán giả trung bình là 4.000-5.000 người. Hà Anh Tuấn là ca sĩ duy nhất tổ chức 3 đêm concert tại Singapore và Sydney cách đây không lâu.
Uyên Linh tổ chức live concert để kỷ niệm 15 năm ca hát. Ảnh: FBNV. |
Với những đêm nhạc đã diễn ra, giá vé thường dao động từ 1 triệu đồng tới 6, 7 triệu đồng. Chẳng hạn, My soul 1981 của Mỹ Tâm là 1,5 triệu đồng tới 5 triệu đồng. Đóa hồng gai của Phương Thanh tại Hà Nội là 1-6 triệu đồng. Đây cũng là mức giá chung cho các live concert sắp diễn ra, ví dụ Thiên hà tinh khôi (1,2 đến 4,8 triệu đồng), 1689 của Trung Quân (1 đến 4 triệu đồng).
Một vài trường hợp hiếm hoi có giá vé lên tới 10 triệu đồng như live show của Đàm Vĩnh Hưng tại TP.HCM vào đầu tháng 5. Một số show hiếm hoi tổ chức ở địa phương khác sẽ có mức giá “mềm” hơn. Chẳng hạn, show diễn tại Hạ Long, Quảng Ninh vào 22/6 của Phương Thanh gồm 7 hạng vé, thấp nhất là 350.000 đồng và hạng SVIP là hơn 2,1 triệu đồng. Tuy nhiên, show diễn này bị lùi sang tháng 9.
Tính chất, chất lượng của từng live show cũng khác nhau bởi nó phụ thuộc vào người đứng sau. Nhạc sĩ Anh Tú giải thích trong trường hợp live show, live concert do một công ty chuyên tổ chức sự kiện thực hiện và mời nghệ sĩ về diễn rồi trả cát-xê thì yếu tố kinh doanh, doanh thu sẽ được đặt lên hàng đầu. Ngược lại, show diễn do nghệ sĩ đích thân tổ chức luôn đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh, ánh sáng, nội dung… Đồng nghĩa, doanh thu khó lòng đủ bù đắp cho tiền đầu tư.
Với show Đóa hồng gai diễn ra ngày 25/5, Phương Thanh giao toàn quyền cho một đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, với show sắp tới tại Hạ Long và TP.HCM, Phương Thanh khẳng định công ty cô sẽ tự tổ chức. Khi không còn sự hỗ trợ của đơn vị tổ chức sự kiện, Phương Thanh xác định tinh thần lỗ vốn.
Nữ ca sĩ lý giải với Tri Thức - Znews: “Show tới ở TP.HCM, công ty của Phương Thanh sẽ tự đứng ra tổ chức. Sự khác biệt lớn nhất giữa live show do công ty tổ chức sự kiện thực hiện và chính nghệ sĩ tổ chức là chất lượng nghệ thuật âm nhạc. Đương nhiên, nếu nghệ sĩ tự tổ chức, phải đứng ra đầu tư toàn bộ, xác định sẽ lỗ khá nặng và sự lỗ này cũng nằm trong dự tính của tôi. Đổi lại, tôi được thỏa sức làm nghệ thuật đúng nghĩa và có dấu ấn cá nhân của nghệ sĩ đồng thời khẳng định được danh tiếng, thương hiệu của bản thân”.
MONO làm khách mời trong live show của Phương Thanh. Ảnh: FBNV. |
Vấn đề tài chính khi làm live show
Khi được hỏi về doanh thu ở live show Hà Nội vừa diễn ra, Phương Thanh chia sẻ cô không lỗ, thậm chí lãi ít bởi có công ty chuyên tổ chức sự kiện đứng ra lo liệu. Hơn hết, một số khách mời tham gia live show vì mối quan hệ với Phương Thanh mà không lấy cát-xê.
“Ngày xưa tổ chức show, Phương Thanh áp lực lắm vì lúc đó nghĩ mình đang là ngôi sao, làm không tới là chết dở. Thời điểm tôi tổ chức live show tại sân vân động, chi phí rất lớn. Lúc đó tôi phải cân nhắc rất nhiều, bán vé như thế nào hợp lý. Cao quá không được mà thấp quá thì chắc chắn lỗ. Hiện tại, cái ‘máu ăn thua’ của thời trẻ không còn nữa. Do đó, lần tổ chức show này, tôi rất vui. Tôi chỉ thấy áp lực dùm các nghệ sĩ khác thôi. Điều đáng lo ngại nhất của nghệ sĩ khi tổ chức live show vẫn là tài chính”, Phương Thanh bày tỏ.
Theo Phương Thanh, để nghệ sĩ có thể bung lụa và thỏa sức sáng tạo với đam mê nghệ thuật thì bắt buộc có đơn vị tài trợ.
Nhạc sĩ Mars Anh Tú cho biết việc thua lỗ khi làm live show là khó tránh. Ảnh: FBNV. |
Năm ngoái, Trung Quân dồn toàn bộ tiền tiết kiệm trong 15 năm ca hát để thực hiện show 1589. Show không thu về lợi nhuận nhưng với nam ca sĩ, nó thành công ở phương diện thuyết phục khán giả. Với show sắp diễn ra, Trung Quân khẳng định mức đầu tư còn cao hơn. Anh từ chối tiết lộ con số cụ thể nhưng từng thuyết phục quản lý cầm biệt thự riêng rộng hơn 2.000 m2 để giúp anh làm concert.
Nhạc sĩ Anh Tú cũng không tiết lộ con số cụ thể khi anh tổ chức live show nhưng theo anh để thực hiện được một live show ở hiện tại, tiền đầu tư có thể lên tới vài tỷ đồng và cả năm chuẩn bị. Khâu nào trong quá trình chuẩn bị một live show cũng tốn kém, từ âm thanh, ánh sáng tới truyền thông. Số tiền đã tăng lên rất nhiều lần so với vài năm trở về trước. Nếu không có đơn vị tài trợ, việc bán nhà để làm live show hoặc đối mặt với lỗ vốn là khó tránh khỏi.
“Nghệ sĩ làm concert để đánh bóng tên tuổi hay đánh dấu cột mốc ca hát là chính chứ concert cần đầu tư rất nhiều tiền. Khi làm live show, chúng tôi cố gắng để làm sao hòa vốn hoặc không bị lỗ quá. Nếu lãi được một ít thì càng vui. Tuy nhiên, thông thường nghệ sĩ tự làm luôn mong show của họ đủ đầy nhất có thể nên khó lãi. Nếu một công ty tổ chức rồi mời nghệ sĩ biểu diễn để bán vé, kiếm tiền, thì đây lại là câu chuyện khác”, nhạc sĩ Anh Tú nói với Tri Thức - Znews.
“Nhiều nghệ sĩ muốn chơi tất tay và muốn có một đêm nhạc đáng nhớ. Số khác thì chưa đủ kinh nghiệm hoặc tên tuổi chưa đủ sức hút bán vé. Trong trường hợp đó, doanh thu sao có thể bù được số tiền bỏ ra”, nhạc sĩ nhấn mạnh.
Về quy trình tổ chức, nhạc sĩ Anh Tú chỉ ra việc cần làm đầu tiên mỗi khi thực hiện một live show là xác định nghệ sĩ biểu diễn là ai, mục đích tổ chức là gì và họ muốn truyền tải câu chuyện như thế nào. Sau đó, ê-kíp mới chuyển sang các khâu kỹ thuật khác.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng.