Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lĩnh 80 đồng nhuận bút, Nam Cao đem 50 đồng biếu nhân vật

Câu chuyện nhà văn Nam Cao đem phần lớn tiền nhuận bút vừa được nhà xuất bản tạm ứng đem biếu nguyên mẫu nhân vật được Tô Hoài kể trong cuốn “Những gương mặt”.

Trong sách Những gương mặt (NXB Văn học, 2016) với những dòng hồi ký chân thực, tỉ mỉ, những nét vẽ chân thật, sinh động, Tô Hoài đã dựng lại một đời sống văn học của một thời kỳ lịch sử. Và trên cái nền của đời sống ấy, ông đã phác họa chân dung một thế hệ cầm bút, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng… đến Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính...

Nam Cao thường viết rất thật...

Nam Cao là một trong những gương mặt đầu tiên được Tô Hoài nhắc tới trong sách Những gương mặt (bài Một Lớp người). Cũng như các nhà văn lớp người cầm bút khi ấy Nam Cao hiện ra trong tác phẩm với bao diễn biến buồn vui, băn khoăn, trăn trở, khao khát, nỗi niềm, suy tư...

Sach Nhung guong mat anh 1

Bốn nhà văn, nhà báo: Tô Hoài, Xuân Thủy, Nam Cao - Báo "Cứu quốc" (thứ nhất, thứ hai và thứ tư từ trái qua) và Nguyễn Huy Tưởng - Báo "Văn nghệ". Ảnh: Trần Văn Lưu. Nguồn: Thể thao & Văn hóa.

Nam Cao lớn lên trong một gia đình khá giả bị sa sút. Bố Nam Cao buôn gỗ và có cửa hàng bán gỗ tiện ở Nam Định, nhưng do nghiện cờ bạc, rượu chè, cùng với việc tiền kiếm được không lại với ăn tiêu cơ nghiệp cứ xuống dần. Sau ông phải bán cả cửa hiệu, trở về làng, nghèo khó và gia đình lục đục hơn trước.

Nói về chuyện sa sút này, Tô Hoài cho biết thêm cứ trông vào cuộc đời mấy anh em Nam Cao thì có thể tưởng tượng ra phần nào. Nam Cao, anh lớn nhất, được học đến tốt nghiệp tiểu học lên tới bậc thành chung, mười một năm. Các em trai không không biết cửa trường học ở đâu. Người thì gồng thuê gánh mướn, sống đời cố nông. Người vào Nam Kỳ làm phu cao su. Riêng có người em út, năm 1945 còn là thiếu nhi, đến năm 1954, được đi học thành kỹ sư.

Nam Cao lấy vợ sớm. Vợ chồng Nam Cao lấy nhau do cha mẹ gả bán từ khi còn ít tuổi, theo phong tục thông thường thời ấy. Lấy vợ chưa đầy 1 năm thì Nam Cao vào Sài Gòn làm việc sổ sách cho người cậu ruột tên là Ngôn - người có nhiều ảnh hưởng nhất đến quyết định tham gia hoạt động sau này của Nam Cao. Ông Ngôn sau bị Pháp truy lùng và trục xuất về quê vì liên quan đến Nam Kỳ khởi nghĩa.

Tô Hoài cho biết trong sáng tác, Nam Cao thường viết rất thật, thật đến nỗi bất cứ sáng tác nào của ông, Tô Hoài cũng có thể tìm ra và đoán được chuyện này Nam Cao thấy ở đâu, nghe ai kể, nhân vật ấy là ai.

Lần ấy, sau khi viết xong tiểu thuyết Sống mòn (tên ban đầu là Chết mòn, Nam Cao nói "Bao giờ những người trong tiểu thuyết này chết đi, mình mới đem in thành sách. In bây giờ thì không dám nhìn mặt ai nữa!".

... và cũng rất thương người

Tô Hoài cũng cho biết không những viết rất thật, Nam Cao còn rất thương người. Tô Hoài kể, một lần ông và Nam Cao rủ nhau đi từ Hà Nội xuống Nam Định để tìm cái viết.

Sach Nhung guong mat anh 2

Nhà văn Nam Cao. Ảnh: Trần Văn Lưu. Nguồn: Thể thao & Văn hóa.

Đêm đó, hai ông tìm chỗ ngủ, sục sạo các nhà trọ, nhà nào cũng chật khách. Hai ông đến nhà săm (tiếng Pháp là Chambre - nhà chứa trọ, phòng cho thuê thường có gái điếm). Nhà này cũng không còn phòng trống.

Hai ông trở ra cửa thì có tiếng gọi lại: “Các anh ở tạm phòng em vậy. Em đi ngủ nhờ nhà bạn cũng được”. Dù biết đây là gái làm tiền loại thuê tháng nhà trọ, nhưng hai ông vẫn bằng lòng vì lúc này rất khó tìm được chỗ ngủ.

Rồi thì cô gái này cũng chẳng đi đâu cả. Đêm hôm đó, Tô Hoài nghe thấy tiếng khóc ri rỉ bên cạnh đầu, rồi tiếng Nam Cao rì rầm khuyên can gì đó. Tô Hoài không thủng đầu đuôi câu chuyện ra sao. Sáng ra Nam Cao kể lại với giọng rất xúc động.

Nam Cao nói nhờ hỏi chuyện tình cờ mà biết được hóa ra cô ấy là em của một người bạn ở Sài Gòn. Chẳng may yêu đương lỡ dở rồi cuộc đời chồng con mấy phen đau đớn, rồi giận đời đen bạc, cô cắt tóc đi tu, rồi sa chân lỡ bước tới đây…

Tô Hoài thì không tin, nhưng trông nét mặt của Nam Cao ông không dám nói.

Sach Nhung guong mat anh 3

Nhà văn Tô Hoài.Ảnh: Trần Văn Lưu. Nguồn: Thể thao & Văn hóa.

Trở về nhà Tô Hoài ở Nghĩa Đô, Nam Cao hì hục viết. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ông viết xong một truyện lấy tên Một đời người, theo câu chuyện cô gái điếm kể đêm ấy ở nhà săm Phương Đông. Chỉ có điều Nam Cao đặt tên cho nhân vật một cái tên rất “đầm” là cô Suy - gian.

Rồi truyện Một đời người được đem bán cho Nhà xuất bản Cộng Lực, được chủ Nhà xuất bản ứng trước cho 80 đồng. Cuốn truyện này sau đó được nhà xuất bản đưa đi kiểm duyệt, nhưng bị bỏ chỉ vì cách đặt tên Tây cho nhân vật rồi bắt nó đi làm đĩ.

Hồi ấy, 80 đồng bạc không phải là nhỏ đối với những người giật gấu vá vai quanh năm như Nam Cao và Tô Hoài. Huống chi, Nam Cao còn vợ con nheo nhóc ở quê, tháng tháng đợi chồng gửi tiền về đỡ đần.

Ấy vậy mà, vào một buổi chiều, Nam Cao rủ Tô Hoài đáp tàu về Nam Định. Ông cầm theo 50 đồng tiền nhuận bút - bản quyền tác phẩm về để biếu cô gái điếm - cái cô mà Tô Hoài nghi ngờ là câu chuyện làm quà của cô điếm với khách làng chơi, còn Nam Cao thì cho là em của một người bạn cũ ở Sài Gòn, ông thương xót và nói nếu sẵn tiền sẽ đưa cả 80 đồng cho cô ấy.

Nhưng cuối cùng Nam Cao không gặp được cô gái điếm. Tìm mấy nhà săm cũng không thấy. Nam Cao ân hận mãi về lần không gặp này.

Tô Hoài còn nhấn mạnh Nam Cao còn rất nhiều chuyện tương tự như thế.

Cũng trong sách Những gương mặt (bài Một Lớp người), Tô Hoài còn kể về sự phát triển của con người và văn chương Nam Cao trong kháng chiến chống Pháp. Tiếc rằng khi đang ở độ chín, ông hy sinh khi mới 33 tuổi.

Người chụp chân dung các nhà thơ trong ‘Thi nhân Việt Nam’ là ai?

Nguyễn Vỹ rất ngạc nhiên khi thấy bức ảnh do Thế Lữ chụp mình hôm đó có trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh và Hoài Chân.

Nhan cach 'oc muon hon

Nhân cách 'ốc mượn hồn" là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm