Trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hơn 35.000 chết ở nước này, đã khiến chính sách ân xá xây dựng tồn tại hơn 70 năm trở thành đề tài tranh cãi, khi nó giúp các nhà thầu có thể bỏ qua những quy chuẩn an toàn, điều đã khiến các tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ dễ đổ sập.
Chính sách ân xá xây dựng được xem là một kiểu cắt giảm thủ tục hành chính, cho phép các công trình được thi công và cấp phép kể cả khi nó không đáp ứng quy chuẩn an toàn. Chủ nhà có thể đóng một khoản phạt, nhưng qua đó được miễn trừ việc phải chấp hành quy định xây dựng, theo Vox.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Yonatan Freeman, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hebrew (Jerusalem), cho rằng các lệnh ân xá xây dựng gần đây đi kèm với thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra nhu cầu về phát triển kinh tế, tạo việc làm và mở rộng cơ hội đầu tư, với chi phí thấp.
"Điều này làm xuất hiện những trường hợp nhà thầu được ân xá. Ngoài ra, các yếu tố chính trị có thể tác động đến nhu cầu thông qua chính sách này", ông nói.
GDP của Thổ Nhĩ Kỳ (đơn vị: tỷ USD) tăng mạnh từ năm 2000, được coi là thành tựu kinh tế của chính quyền ông Erdogan. Đồ họa: Trading Economics. |
Xây dựng là động lực trong chính sách phát triển kinh tế của Tổng thống Tayyip Erdogan. Trong hai thập niên với vai trò thủ tướng và tổng thống, ông đã mang đến các thành tựu về xây dựng cầu đường, nhà ở và trung tâm mua sắm đã là trụ cột cho phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều hoài nghi từ phe đối lập và người dân về tình trạng tham nhũng hay bỏ qua tiêu chuẩn an toàn để đạt lợi ích chính trị, theo New York Times.
Chính sách hỗ trợ người nghèo bị lợi dụng
Ban đầu, khi chính sách này được đưa ra vào cuối những năm 1940, nó tập trung vào việc hỗ trợ tầng lớp thấp nhất trong xã hội, khi người nghèo phải xây các ngôi nhà tạm do không đủ tiền xây những ngôi nhà thông thường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nó bị xem là công cụ chính trị, và các quyết định ân xá thường được đưa ra trước kỳ bầu cử.
Năm 2018, ông Erdogan thông qua đợt ân xá, với việc cấp phép cho 7,4 triệu hồ sơ thi công không đáp ứng các quy tắc thiết kế và an toàn cơ bản. Chính sách này đã đem lại nguồn thu 4,2 tỷ USD từ phí các nhà thầu phải đóng để được miễn kiểm tra quy chuẩn, theo Financial Times.
Đợt ân xá xây dựng năm 2018 là một trong những lần ân xá lớn nhất, khi cả những chủ ngôi nhà nhỏ đến các nhà thầu lớn đều có trong danh sách, theo nghiên cứu của Đại học Kỹ thuật Trung Đông.
Những trận động đất quanh Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1990. Nước này nằm trên hai đới đứt gãy Đông và Bắc Anatolia. Hoạt động của các đới đứt gãy kiến tạo khi tạo ra lực đủ lớn có thể hình thành những trận động đất ở nước này. Đồ họa: New York Times. |
Trong chiến dịch tranh cử năm 2019, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đã ca ngợi chính sách mà đảng ông đã thúc đẩy, cho phép chủ sở hữu bất động sản được ân xá về việc vi phạm các quy định xây dựng.
Đây là một động thái rủi ro với quốc gia thường xuyên chịu động đất, nhưng lại thu hút được nhiều cử tri. Ông Erdogan hồi năm 2019 đã nói rằng luật ân xá đã giải quyết vấn đề của hơn 438.000 chủ bất động sản.
Sau trận động đất hủy diệt ngày 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh điều tra và bắt giữ hơn 136 nhà thầu.
"Động thái bắt giữ các nhà thầu chịu tác động từ yêu cầu của công chúng về việc tìm những người chịu trách nhiệm", ông Freeman nói với Zing. "Hiện vẫn phải chờ xem liệu động thái này có dẫn đến các quy định cứng rắn hơn để ngăn chặn hậu quả hay không".
Tiến sĩ Freeman cho rằng sau thảm họa động đất, đặc biệt khi chỉ còn vài tháng trước kỳ bầu cử, vấn đề tiêu chuẩn xây dựng sẽ trở thành chủ đề quan trọng, khi đảng và các ứng viên có thể đưa ra những cam kết rằng sẽ điều tra chặt chẽ vào những nhà thầu liên quan.
Tòa nhà ở Elbistan, Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy. Ảnh: Reuters. |
Bugra Gokce, nhà quy hoạch đô thị ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng các đợt ân xá sẽ không ngừng được mở rộng, và tạo cho người dân cảm giác rằng nhà nước sẽ tha thứ cho những vi phạm, qua đó khuyến khích ngày càng có nhiều công trình xây dựng trái phép.
Thực tế khó khăn
Nhiều tòa nhà đổ sập ở Thổ Nhĩ Kỳ được các chuyên gia xây dựng đánh giá rằng nó không đủ tiêu chuẩn an toàn về vật liệu và kỹ thuật. Các chuyên gia cho hay nhà thầu không thể thi công mà không được các quan chức địa phương cấp phép.
"Điều này liên quan đến toàn bộ hệ thống mà ông Erdogan xây dựng, không chỉ vấn đề chính trị mà còn về kinh tế", Sebnem Gumuscu, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Middlebury (Mỹ), nói.
Những ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ được xây với cấu trúc “tầng mềm”. Theo đó, một tầng, thường là tầng trệt, sẽ có khả năng chịu tải kém hơn những tầng trên hay so với móng nhà.
Việc xây dựng kiểu này có thể tiết kiệm chi phí, dễ thay đổi cấu trúc của tầng đó để phù hợp với nhiều mục đích. Nó được xem là giải pháp cho những khu vực đông đúc nhưng không có nhiều diện tích, theo Vox.
Tuy nhiên, cách xây dựng này lại gây rủi ro nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra động đất. Khi đó, tầng mềm sẽ là nơi yếu nhất và không thể chịu được trọng lượng từ các tầng trên, qua đó rất dễ đổ sập.
Cấu trúc tầng mềm tại các ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến chúng rất dễ rung lắc và đổ sập khi động đất. Đồ họa: Vox. |
Về lý thuyết, giải pháp lý tưởng nhất là thay các trụ đỡ ở tầng trệt hoặc gia cố nó bằng khung thép, gia cố tường bằng vật liệu chất lượng cao, và lắp thêm thanh giằng vào móng nhà. Khi có động đất, tầng trệt của ngôi nhà được gia cố có thể chịu được lực và đảm bảo an toàn.
Các giải pháp gia cố tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó thực hiện do điều kiện tài chính.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2021, có khoảng 6,7 triệu tòa nhà trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ cần được gia cố hoặc trùng tu, với kinh phí ước tính là 465 tỷ USD. Tại thời điểm đó, chỉ có 4% số ngôi nhà được cải tạo.
WB cho biết dựa trên mục tiêu đô thị hóa, các cơ chế tài chính để hỗ trợ cho việc trùng tu những ngôi nhà có nguy cơ cao là không đủ so với nhu cầu.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.