Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trận động đất khiến ông Erdogan đau đầu trước kỳ bầu cử

Việc chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan xử lý thế nào trước thảm họa động đất có thể tác động đến tình hình cuộc tổng tuyển cử vào giữa năm nay.

tong thong tho nhi ky anh 1

Vào năm 2022, khi Thổ Nhĩ Kỳ tưởng niệm 23 năm sau trận động đất năm 1999, Tổng thống Erdogan đã ca ngợi những dự án chuyển đổi đô thị của chính phủ - điều mà ông nói sẽ giúp bảo vệ người dân khỏi những thảm họa trong tương lai.

"Là con người, chúng ta không thể ngăn chặn động đất, nhưng có thể tạo ra những giải pháp giảm thiểu thiệt hại", ông nói.

Dù vậy, chưa đầy một năm, đất nước đã phải đối mặt với thảm họa hủy diệt, với quy mô thương vong đã vượt qua trận động đất 23 năm trước.

Thiên tai tồi tệ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ đã khiến hơn 35.000 người sống tại nước này thiệt mạng, so với hơn 17.000 chết trong thảm họa 1999, theo Guardian.

Ông Erdogan đang phải đối mặt với những thách thức, khi phe đối lập chỉ trích rằng chính phủ ông đã phản ứng chậm với thảm kịch.

Vụ động đất còn diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Chưa cần đến khi trận động đất xảy ra, nhiều nhà quan sát đã coi rằng năm nay sẽ là kỳ bầu cử khó khăn nhất của ông Erdogan.

“Vụ động đất sẽ là vấn đề chính trong cuộc bầu cử, và nó là tin không vui với ông Erdogan”, Berk Esen, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sabanci, cho biết.

Năm khó khăn cho người con Istanbul

Sinh ra tại Istanbul trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, ông Erdogan (68 tuổi) đã đấu tranh cho chính trị xu hướng bảo thủ khi còn là thiếu niên.

Sự nghiệp chính trường của ông bắt đầu ghi được những dấu ấn khi ông được bầu làm thị trưởng Istanbul vào năm 1994. Đến năm 2001, ông lập ra đảng Công lý và Phát triển (đảng AK). Ông cũng đang là lãnh đạo đảng này.

tong thong tho nhi ky anh 2

Tổng thống Tayyip Erdogan (phải) ngày 8/2 đến hiện trường sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Đảng AK có gốc từ phong trào Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, và đã giành chiến thắng áp đảo vào năm 2002, khi cử tri chỉ trích cách quản lý của chính quyền đương nhiệm khi đó, cùng cách xử lý trận động đất Izmit vào năm 1999.

“Trận động đất năm 1999 là một trong những lý do khiến đảng cầm quyền khi đó không chỉ thất bại mà còn bị xóa bỏ”, Atilla Yesilada, nhà phân tích tại GlobalSource, nhận định.

Ông Erdogan trở thành thủ tướng vào năm 2003. Thời điểm này, ông cũng bắt tay vào những thay đổi chính sách về hạ tầng quốc gia. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng tốc sau cuộc khủng hoảng tài chính đầu thế kỷ XXI, với thu nhập đầu người tăng, nhiều bệnh viện, cao tốc, sân bay được xây dựng.

Dù vậy, một số người chỉ trích các quy định về ân xá xây dựng - điều giúp các nhà thầu tránh được khoản phạt do vi phạm quy tắc thi công - đã khiến nhiều công trình không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, dẫn đến dễ dàng đổ sập sau trận động đất, theo BBC.

Thời điểm nước rút

Giới quan sát chính trị cho rằng trước đây, Tổng thống Erdogan có thể biến các cuộc khủng hoảng thành lợi thế cho mình. Nhưng trận động đất mới nhất có thể vượt tầm kiểm soát.

Nó vừa là vấn đề về quy mô thiệt hại quá lớn, đồng thời cũng mang tính thời điểm, khi chỉ cách kỳ bầu cử vài tháng. Do đó, không ngạc nhiên nếu việc ứng phó với động đất trở thành tâm điểm trong cuộc bầu cử.

Với cuộc bầu cử có thể diễn ra vào ngày 14/5, trận động đất này sẽ là “một khủng hoảng chính trị lớn nhất mà ông Erdogan phải đối mặt”, ông Berk Esen nói.

tong thong tho nhi ky anh 3

Ông Erdogan ngày 9/2 thăm người bị thương sau trận động đất ở Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Nó còn đặt thêm một bài toán lớn, bên cạnh chi phí sinh hoạt tăng cao, mà các nhà kinh tế cho rằng nó xuất phát từ các chính sách kinh tế của ông Erdogan.

Trận động đất xảy ra ở một loạt tỉnh nghèo, có xu hướng bảo thủ, có thể làm giảm sự ủng hộ ở những nơi vốn có truyền thống ủng hộ ông, theo Financial Times.

“Rất khó để tôi phân tích chính xác những cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bảo thủ và thân ông Erdogan, nhưng tôi nghĩ ông Erdogan sẽ không thể bình thản sau thảm họa này”, Soli Ozel, giảng viên tại Đại học Kadir Has, nói.

Một số quan chức đảng AK cũng bất bình trước việc số người chết quá nhiều và hướng sự chỉ trích về chính phủ.

“Tại sao các nước hay xảy ra động đất như Nhật Bản, Chile không gặp thảm kịch như chúng ta”, một thành viên đảng AK, có họ hàng ở những khu vực bị tàn phá sau thảm kịch, nói.

Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Ông Erdogan tuyên bố sẽ trừng phạt người cướp bóc sau động đất

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 10/2 tuyên bố công tác ứng phó với động đất của giới chức nước này đã diễn ra không đủ nhanh, Reuters đưa tin.

Ông Erdogan thừa nhận thiếu sót trong ứng phó thảm họa động đất

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 8/2 thừa nhận phản ứng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hứng chịu trận động đất chết chóc nhất trong một thập kỷ vẫn còn những "thiếu sót".

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm