Thời gian gần đây, thị trường taxi Hà Nội liên tục chứng kiến cái bắt tay của các hãng truyền thống tạo thành liên minh lớn hơn. Đây là điều được nhiều chuyên gia giao thông từng dự báo khi áp lực cạnh tranh với Grab và taxi công nghệ ngày càng gay gắt.
Việc các hãng taxi hợp tác với nhau tạo thành các liên minh mới sẽ có những lợi thế nhất định trong cuộc cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo những vấn đề có thể đặt ra trong tương lai, khi vẫn tồn tại quá nhiều ông bà chủ.
Những liên minh taxi với hàng nghìn chiếc
Cuối tháng 8, 3 hãng taxi truyền thống tại Hà Nội là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội thống nhất thành lập một hãng taxi chung với tên gọi G7. Ngay sau đó, hãng taxi công nghệ mới này đã chính thức hoạt động từ tháng 10 với “sự lột xác” hoàn toàn.
Cả 3 hãng taxi trước kia giờ đã có tên gọi chung, nhận diện thương hiệu thay đổi với logo, tem, mào chung; một app đặt xe mới hoàn toàn.
Chủ tịch taxi Thành Công Nguyễn Anh Quân tự tin cho biết việc tham gia vào G7 của hãng không nằm ngoài mục tiêu tạo ra một thế lực mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với taxi công nghệ. Ông cho rằng G7 ra đời khắc phục được sự manh mún, nhỏ lẻ của taxi từ xưa đến nay, giúp tạo sức cạnh tranh với Grab.
Sau khi hợp nhất, G7 ngay lập tức có 3.000 xe. Thời gian tới, dự kiến có thêm nhiều hãng taxi truyền thống nữa gia nhập “mái nhà” G7 taxi.
“Hiện nay, Hà Nội có khoảng 70 hãng taxi với khoảng 17.000 phương tiện nhưng hãng lớn nhất cũng chỉ có hơn 1.000 xe, tức là chỉ chiếm chưa tới 7% thị phần. Đây chính là điểm yếu khiến các hãng taxi truyền thống khó cạnh tranh được với các hãng taxi công nghệ”, một lãnh đạo của G7 cho biết.
Trước đó, vào khoảng tháng 4, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác liên minh taxi Việt giữa 12 đơn vị vận tải với mục tiêu tạo ra một thương hiệu vận tải hành khách phủ rộng nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Đến giữa tháng 9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ra quyết định bảo trợ thành lập liên minh này và chính thức ra mắt tại Hà Nội từ ngày 10/12.
Điểm mới của liên minh Taxi Việt so với G7 là có sự liên kết, hợp tác giữa các hãng taxi truyền thống không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam. Liên minh này cho biết đã có mặt tại hơn 40 tỉnh với 17 công ty tham gia, chiếm số lượng gần 12.000 đầu xe trên cả nước.
Liên minh taxi Việt được thành lập từ ngày 10/12. Ảnh minh họa. |
Liên minh này hợp tác chặt với đơn vị phát triển phần mềm cũng như các đơn vị thanh toán và tự tin việc đủ sức trên sân chơi cạnh tranh với Grab và các liên minh khác.
Cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi các liên minh?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia, đánh giá việc các hãng taxi bắt tay với nhau thể hiện việc họ sẵn sàng thay đổi, chi trả nhiều tiền để có thương hiệu mạnh hơn.
Việc hợp nhất công ty taxi với quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình quản lý hiện đại, nâng cao năng suất lao động, tính chuyên nghiệp... đem lại lợi ích cho khách hàng, cho người dân.
Ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, cho rằng việc sáp nhập này là xu hướng tất yếu, giúp nâng cao hình ảnh nhận diện thương hiệu, nâng cao sự sẵn sàng của hệ thống trong việc cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng…
Tuy nhiên, ông Việt nhận định sự liên kết giữa các doanh nghiệp này vẫn còn yếu, chưa đủ mạnh.
“Nếu họ sáp nhập thành một thương hiệu mới, có ông chủ rõ ràng, quyết sách rõ ràng thì lại khác, mối liên kết hiện tại thiên về liên minh, có nhiều ông chủ bà chủ”, ông nói.
Sự cạnh tranh gay gắt khiến các hãng taxi phải thay đổi cuộc chơi. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Chuyên gia Trần Bằng Việt cảnh báo với mối liên kết chưa đủ mạnh với nhiều ông chủ, bà chủ, khi nhiều việc thuận lợi như kế hoạch ban đầu thì không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên nếu chỉ cần kết quả sản xuất kinh doanh không như mong muốn, xảy ra sự biến động nào đó, khác biệt trong quan điểm giữa những người chủ sẽ bộc lộ, nảy sinh bất cập.
Thứ hai, việc bảo đảm chất lượng, quy cách, quy chuẩn là khó khăn. Chất lượng phụ thuộc nhiều vào tài xế, và sản phẩm được hình thành trong quá trình phục vụ, không phải hình thành trước đó. Do đó khâu kiểm tra chất lượng sẽ là một thách thức lớn, với nhiều hãng khác nhau trong một liên minh.
“Ngày xưa là thương hiệu riêng, có vấn đề gì người đó chịu. Nhưng giờ thương hiệu chung, lỡ một doanh nghiệp nào đó làm tệ hơn, thì cả liên minh chịu ảnh hưởng. Nó có thể làm dần dần tạo nguy cơ với liên minh”, ông nói.
Về lâu dài, ông Việt cho rằng vẫn cần tiến hành các bước mua bán, thay đổi chủ sở hữu các hãng taxi, để khi đó có sự quản trị cụ thể rõ ràng với những hãng taxi lớn hơn. Một thành phố như Hà Nội không nên có quá nhiều hãng taxi nhỏ lẻ, mà chỉ nên tập trung 3-4 thương hiệu.
Với việc hợp tác với các hãng cung cấp phần mềm, ông Việt cho rằng các hãng taxi nên có cổ phần và “nắm đằng chuôi” ở hãng cung cấp ứng dụng, thay vì hợp tác.
“Rất có thể nhờ có taxi mà hãng ứng dụng sẽ bật lên, và taxi phải phụ thuộc vào hãng cung cấp phần mềm. Grab ngày xưa cũng chỉ bắt đầu bằng việc cung cấp phần mềm cho taxi, sau đó lớn mạnh và uy hiếp lại taxi. Các liên minh cần rất chú ý điều này”, ông Việt chia sẻ.
Về việc cạnh tranh với Grab, ông Việt cho rằng các liên minh này sẽ đặt một áp lực mạnh mẽ lên đối thủ Malaysia. Đặc biệt ở vị thế thống lĩnh thị trường, nhưng Grab đã không còn tăng giá bừa bãi và liên tục tung ra khuyến mại với người tiêu dùng. Ông dự báo vẫn còn cơ hội cho các hãng taxi cạnh tranh sòng phẳng với Grab, khi có sự thay đổi ở chất lượng dịch vụ, giá thành.