Lì xì là một trong những phong tục truyền thống dịp Tết Nguyên đán. Khi Internet ngày càng phát triển, hình thức lì xì đã có nhiều thay đổi.
Tại Trung Quốc, những người không thể gặp mặt con cháu để chúc Tết sẽ lì xì qua WeChat hoặc các app tương tự. Do đó, nhiều hãng công nghệ tận dụng chiến lược này để thu hút người dùng và tăng doanh thu.
Tuy nhiên, để nhận lì xì vài USD từ những công ty Internet, người dùng phải hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp.
Văn hóa lì xì mới
Theo MIT Technology Review, "số hóa" lì xì tại Trung Quốc diễn ra từ đầu những năm 2010, khi các siêu ứng dụng như Alipay và WeChat giúp người dùng chuyển tiền lẫn nhau một cách dễ dàng.
Dịp Tết, các app bổ sung nhiều tính năng thú vị, chẳng hạn như lì xì "may mắn" đúng theo nghĩa đen. Trong nhóm chat, thành viên có thể mở bao lì xì để nhận khoản tiền ngẫu nhiên trong tổng số tiền do người tặng nhập vào.
Tính năng nhận lì xì Tết trong WeChat. Ảnh: tech.163.com. |
Sự phấn khích dâng cao khi có người bốc số tiền lớn. Trong khi đó, ai nhận lì xì thấp có thể yêu cầu người tặng cho mở lại. Điều này trở thành một phần quen thuộc của văn hóa lì xì mới.
Chỉ vài năm sau, đối tượng tặng lì xì trên app không chỉ là người thân trong nhóm chat, mà còn đến từ các công ty công nghệ.
Năm 2015, WeChat chi hơn 80 triệu USD lì xì cho người xem chương trình Đêm hội mùa xuân (Spring Festival Gala) - đại nhạc hội chào năm mới do Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu vào tối 30 Tết.
Để nhận lì xỉ, người dùng phải lắc điện thoại vào thời điểm nhất định trong chương trình. Theo dữ liệu do WeChat cung cấp, số lượt lắc điện thoại trong đêm giao thừa lên đến 11 tỷ. Có thời điểm ứng dụng ghi nhận 800 triệu lượt lắc trong một phút.
Làm nhiệm vụ để nhận lì xì
Thành công của WeChat khiến nhiều hãng công nghệ tham gia cuộc chơi, sẵn sàng lì xì hàng triệu USD để thu hút lượt truy cập ứng dụng.
Hiện nay, đa số dịch vụ phổ biến tại Trung Quốc đã tổ chức lì xì dịp Tết. Tuy nhiên, nhiệm vụ của người dùng ngày càng phức tạp.
Biểu tượng lắc điện thoại để nhận lì xì trong chương trình đón giao thừa tại Trung Quốc. Ảnh: Tech in Asia. |
Để tham gia một trong các sự kiện lì xì dịp Tết Nguyên đán 2024 trên Douyin - phiên bản tiếng Trung của TikTok, người dùng phải hoàn thành loạt nhiệm vụ: đăng nhập hàng ngày, mời người khác đăng ký nền tảng, tải avatar, theo dõi một số tài khoản, mở nhóm chat, đăng ảnh GIF vào nhóm, gọi video, tải video, xem video trong thời gian nhất định và cài ứng dụng khác.
Dành thời gian hoàn thành nhiều nhiệm vụ, người dùng nhận khoản lì xì càng nhiều.
Từ khi nền tảng di động trở nên phổ biến tại Trung Quốc, các công ty ngày càng sử dụng "chiêu trò" tinh vi để thu hút người dùng. Chương trình lì xì Tết là dịp thích hợp nhất cho những mánh lới quảng cáo này.
Khi các nhiệm vụ nhận lì xì ngày càng phức tạp, hầu hết người dùng không có thời gian hoàn thành tất cả, trong khi số tiền nhận được khá thấp.
"Tôi có sẵn lòng nhắn tin cho 5 người bạn đại học không nói chuyện nhiều năm để nhận 5 USD không? Đương nhiên là không?", cây viết Zeyi Yang của MIT Technology Review nhấn mạnh.
Một trong các thử thách nhận lì xì trên Douyin. Ảnh: 36kr.com. |
Dù vậy, vẫn có nhiều người sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ để nhận lì xì. Theo 36kr, một số người với điều kiện kinh tế kém sẽ nghiên cứu kỹ luật chơi để kiếm nhiều tiền nhất có thể.
Do vài nhiệm vụ yêu cầu tương tác xã hội, một số người sẵn sàng trả tiền cho người khác để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ lẫn nhau. Những nhóm chat, ứng dụng mọc lên để phục vụ cộng đồng kiếm lì xì trên mạng.
Các công ty Trung Quốc thậm chí mang chiến lược này ra nước ngoài. Một trong số đó là sàn thương mại điện tử Temu khi dành 15 triệu USD mã giảm giá, phiếu quà tặng cho chiến dịch quảng cáo trong khuôn khổ Super Bowl.
Quảng cáo của Temu trong Super Bowl kêu gọi khán giả chơi game để nhận mã giảm giá. Ảnh: Daily Commercials. |
Nhờ quảng cáo của Temu, khán giả tại Mỹ được trải nghiệm vòng quay mã giảm giá, mời bạn bè tải ứng dụng và chơi game nông trại, những điều người dùng Trung Quốc đã quá quen thuộc.
Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với các nhiệm vụ này. Tuy nhiên, sự tồn tại lâu dài của chương trình lì xì Tết tại Trung Quốc cho thấy khi tìm đúng đối tượng, thời điểm và mô hình phù hợp, các công ty vẫn có thể thu hút người tham gia mà không cần suy nghĩ nhiều.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.