Trong một tuyên bố hôm 9/6, ông Guterres cũng kêu gọi chính phủ của các quốc gia trên thế giới phải sớm thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để ngăn chặn thảm hoạ lương thực, theo The Guardian.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc dự đoán nhiều người nghèo sẽ không thể mua được thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Getty Images. |
“Nếu không thực hiện các biện pháp khẩn cấp, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, gây ảnh hưởng lâu dài tới hàng trăm triệu trẻ em và người trưởng thành”, ông Guterres cho biết.
Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia thịnh vượng cũng phải đối mặt với nguy cơ chuỗi cung ứng thực phẩm bị gián đoạn.
Ông Guterres ước tính khoảng 50 triệu người trên thế giới sẽ rơi vào tình trạng “nghèo đói” do suy thoái kinh tế hậu đại dịch. Đáng chú ý, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất vì việc thiếu dưỡng chất có thể gây ra nhiều biến chứng lâu dài.
Để cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã đưa ra một bản kế hoạch với 3 trọng tâm chính: viện trợ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề; đảm bảo an ninh lương thực cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai và cho con bú; đầu tư vào tương lai bằng cách khôi phục, xây dựng thêm nhiều hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững.
Quan chức cấp cao Maximo Torero của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) nhận xét: “Chúng ta phải thật cẩn thận vì cuộc khủng hoảng lương thực này là điều chưa từng có tiền lệ”.
FAO từng dự báo rằng chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ tiếp tục bị gián đoạn. Việc hạn chế hoạt động sản xuất và sự đình trệ của nhiều ngành công nghiệp đang gây ảnh hưởng đến tình hình canh tác và cung cấp thực phẩm trên toàn cầu.