Hôm 14/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 39/47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp tại nhiều đô thị lớn như Tokyo, Chiba, Kanagawa, Saitama, Kyoto, Osaka và Hyogo sẽ sớm được đánh giá lại trong tuần tới.
Không áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt như Ấn Độ hay Pháp, Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/4 mà không đi kèm chế tài xử phạt. Người dân vẫn được sử dụng phương tiện công cộng và dùng bữa tại nhà hàng.
Song Thủ tướng Abe vẫn chịu nhiều sức ép và buộc phải nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm tái khởi động nền kinh tế.
Buổi họp báo của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 14/5 được trình chiếu trên màn hình lớn tại Tokyo. Ảnh: Reuters. |
“Với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực đánh dấu sự bắt đầu của cuộc sống trong kỷ nguyên virus corona”, ông Abe cảnh báo. “Dịch bệnh chắc chắn vẫn còn hiện diện xung quanh chúng ta”.
Giống như Nhật Bản, phần còn lại của thế giới cũng đang “đau đầu” trước bài toán cân bằng lợi ích kinh tế và rủi ro sức khoẻ cộng đồng. Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều tiêu chí cụ thể để khôi phục nền kinh tế, đồng thời đặt điều kiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đông Nam Á
Nhiều nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á đang dần hồi phục sau thành công chống dịch Covid-19. Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng nhiều tuần gần đây. Thái Lan cũng lần đầu không có trường hợp nhiễm bệnh vào ngày 13/5.
Một quán mì tại Bangkok sử dụng tấm chắn nhựa trong thời dịch. Ảnh: Reuters. |
Tại Singapore, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ được phép mở cửa trở lại dù lệnh phong toả còn kéo dài đến đầu tháng 6. Chính phủ nước này cũng yêu cầu doanh nghiệp phải triển khai hệ thống làm việc trực tuyến, giúp các nhà chức trách dễ dàng theo dõi tình hình dịch bệnh.
Singapore hôm 14/5 chỉ ghi nhận 2 ca nhiễm trong cộng đồng, số liệu thấp nhất kể từ khi triển khai các biện pháp phong toả vào ngày 7/4, báo Straits Times đưa tin.
Mỹ
Ở Mỹ, chính quyền tiểu bang sẽ lựa chọn chiến lược chống dịch dựa trên hướng dẫn và chỉ thị từ Nhà Trắng.
Lệnh phong tỏa tại New York, tiểu bang có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất trên toàn quốc, hết hiệu lực vào ngày 15/5. Thống đốc bang Andrew Cuomo hôm 8/5 từng khẳng định phong toả “không phải là một giải pháp lâu dài”.
Kế hoạch mở cửa trở lại tại bang này được chia thành nhiều giai đoạn cho từng khu vực cụ thể. Các ngành công nghiệp đang tái khởi động từng bước trong khi cộng đồng doanh nghiệp phải lập kế hoạch chi tiết để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Dịch Covid-19 khiến mọi nẻo đường ở thành phố New York vắng tanh. Ảnh: Reuters. |
Cả bang New York và California đều đã cho phép các công ty xây dựng, sản xuất và hệ thống bán lẻ hoạt động trở lại trong giai đoạn I. Ở giai đoạn II, một vài doanh nghiệp và dịch vụ nhỏ lẻ được phép mở cửa trong khi giai đoạn III dành cho các nhà hàng, quán bar và tụ điểm vui chơi giải trí. Hệ thống trường học sẽ quay trở lại sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn nói trên.
Vương quốc Anh
Anh vẫn đang là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch Covid-19 tại châu Âu. Chính phủ nước này hôm 11/5 mới công bố lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Cụ thể, nhân viên các ngành nghề không thể làm việc từ xa, như ngành xây dựng, được khuyến khích đi làm trong tuần này. Người dân Anh cũng được ra ngoài nhiều hơn dù vẫn phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Trước lo ngại về một đợt bùng phát dịch thứ 2 như Hàn Quốc, Anh luôn sẵn sàng tái thiết lập trạng thái khủng hoảng. Nước này sẽ thành lập Trung tâm An toàn Sinh học sử dụng hệ thống cảnh báo 5 cấp độ để kịp thời xác định mối đe doạ và đưa ra biện pháp phù hợp.
Tương tự, Đức cũng đang đề cao cảnh giác dù nước này đã khởi động phần lớn nền kinh tế hồi tuần trước. Thủ tướng Angela Merkel đã chuyển giao phần lớn trách nhiệm và quyền hạn cho các tiểu bang để theo dõi diễn biến dịch bệnh sát sao hơn.
Cuộc sống hậu phong toả
Công ty dịch vụ tài chính Goldman Sachs đã sử dụng dữ liệu di động từ Google để đánh giá các nỗ lực giãn cách xã hội và quyết sách chống dịch.
Một bé trai được kiểm tra nhiệt độ cơ thể tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Nghiên cứu này chỉ ra rằng Ấn Độ và Italy phải gánh chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất trong khi Singapore, Anh, Đức và Mỹ nằm ở khoảng giữa. Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia chịu ít tác động nhất.
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, dịch Covid-19 khiến 120 triệu việc làm ở nước này “bốc hơi”. Sau khi Thủ tướng Nerendra Modi bất ngờ phong toả toàn quốc hôm 24/3, hàng triệu lao động nhập cư tại Ấn Độ mất đi cả việc làm lẫn nơi cư trú.
Chính phủ nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế ở “một vài khu vực an toàn”. Dù vậy, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 12/5, ông Modi tuyên bố gia hạn lệnh phong toả, đồng thời “úp mở” về “giai đoạn 4 của thời kỳ phong toả”.
Tại Nhật, giới chuyên gia đang ủng hộ người dân thích nghi với “phong cách sống mới”: duy trì giãn cách xã hội cho đến khi thế giới tìm ra vaccine chống Covid-19.