Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lê Huỳnh Đức vs Kiatisuk - quân lệnh và tiếng đàn

Huỳnh Đức và Kiatisuk là 2 tiền đạo lẫy lừng với phong cách chơi bóng trái ngược nhau. Giờ họ là 2 HLV cũng mang trong mình triết lý cầm quân đối nghịch.

Kiatisuk vs Huynh Duc anh 1

Lê Huỳnh Đức sinh năm 1972. Kiatisuk Senamuang ít hơn một tuổi. Họ là những đối thủ đầy duyên nợ của nhau trong giai đoạn hoàng kim nhất đời cầu thủ. Nhưng nói một cách chính xác thì với Kiatisuk, Huỳnh Đức nợ nhiều hơn duyên.

Nếu Huỳnh Đức là đầu tàu của thế hệ Hồng Sơn, Hữu Thắng, Công Minh, Đức Thắng, sau đó còn tiếp tục dìu dắt lứa đàn em Minh Phương, Tài Em đến năm 2004, Kiatisuk cũng là trụ cột của dàn sao Dusit, Tawan, Surachai, Worawoot và làm chiếc gạch nối bền bỉ kết nối với Thonglao, Sakda cho tới tận năm 2007.

Thời trai trẻ của lửa và nước

Ở Đông Nam Á thời của họ, Thái Lan là số một, trong khi Việt Nam cạnh tranh với Malaysia, Singapore, Indonesia cho suất nhì. Những con số thống kê vì thế cũng nghiêng hẳn về “Zico Thái”.

Trong màu áo tuyển Việt Nam, Huỳnh Đức đối đầu với Kiatisuk 8 lần tại các kỳ SEA Games và Tiger Cup, thua 7 và chỉ có đúng 1 trận hòa. Lần hiếm hoi chúng ta vượt qua Thái Lan với tỷ số 3-0 tại Tiger Cup 1998, Kiatisuk không có mặt. Huỳnh Đức cũng chưa một lần chọc thủng lưới Thái Lan, trong khi Kiatisuk đã có 3 bàn vào lưới Việt Nam (Tiger Cup 1996, SEA Games 1997).

Kiatisuk vs Huynh Duc anh 2

Huỳnh Đức nổi tiếng với sự khắc nghiệt trên ghế huấn luyện. Ảnh: N.K.

Huỳnh Đức vẫn được đánh giá là đối trọng xứng tầm với Kiatisuk, và cả hai đều là những tiền đạo được quan tâm hàng đầu trong các giải đấu khu vực.

Lối chơi của Huỳnh Đức mang tính lấn át, trực diện như lửa. Anh không phải mẫu cầu thủ kỹ thuật nhỏ xuất sắc, nhưng có thể hình lý tưởng, khả năng càn lướt, tỳ đè và dứt điểm thiên về sức mạnh. Huỳnh Đức từng vào mắt xanh của CLB Lifan Trùng Khánh và là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang chơi tại giải VĐQG Trung Quốc.

Kiatisuk, ngược lại, mềm mại và linh hoạt như nước. Kiatisuk không cao to, lực lưỡng nhưng xử lý không gian hẹp, bứt tốc đoạn ngắn ở đẳng cấp khác biệt so với phần còn lại của Đông Nam Á. Kỹ năng kiến tạo và ghi bàn đa dạng đã giúp anh có thời gian được thử sức ở môi trường bóng đá Anh cùng CLB Huddersfield.

Khi Kiatisuk gia nhập V.League, thì Huỳnh Đức đã là một tượng đài của giải đấu quốc nội. Lúc ấy, chỉ có những ngoại binh như Enock Kyembe, Iddi Batambuze mới có thể sánh ngang chân sút của Công An TP.HCM, sau đổi tên thành Ngân hàng Đông Á.

Nhưng giai đoạn 2002-2006, Kiatisuk thăng hoa với 2 chức vô địch V.League cùng HAGL, thì cũng là thời điểm sự nghiệp của Huỳnh Đức qua bên kia sườn dốc. Huỳnh Đức chuyển đến Đà Nẵng, bắt đầu một chương hoàn toàn mới trong cuộc đời mình.

Chờ trận đấu trên sân Hòa Xuân

Huỳnh Đức gia nhập Đà Nẵng với tâm thế kẻ tha hương, nhưng bây giờ, thành phố sông Hàn đã trở thành bến đậu thực sự ấm êm. Giai đoạn cuối đời cầu thủ của Đức ở Đà Nẵng không nhiều dấu ấn, nhưng anh đã thiết lập được quyền lực cần thiết cho tương lai gần, là chiếc ghế HLV.

Đà Nẵng vốn dĩ không phải đất lành cho các nhà cầm quân ngoại tỉnh. Trước Huỳnh Đức, chỉ có công thần Lê Thụy Hải thành công ở chốn này. Ông Hải “lơ” thì khét tiếng ăn sóng nói gió, nhưng lại đấu tranh “rát mặt” cho cầu thủ, bởi vậy ông làm được việc cũng là điều dễ hiểu.

Kiatisuk vs Huynh Duc anh 3

Kiatisuk vui vẻ và cởi mở, nhưng HAGL không còn dễ bị bắt nạt như trước kia. Ảnh: Y Kiện.

Huỳnh Đức thì khác. Đà Nẵng dưới tay Huỳnh Đức giống một vương triều, mà ở đó, chỉ có uy quyền của HLV là tối thượng. Quân lệnh HLV đưa ra, cầu thủ chỉ có nhất nhất tuân theo.

Sự khắc nghiệt đến ngột ngạt là điều từng bao trùm đại bản doanh Đà Nẵng trong nhiều năm. Có những cầu thủ trẻ từng là hạt nhân SEA Games như Xuân Nam, Ngọc Thông - hoặc phải dạt sang đội khác do không được trao cơ hội, hoặc giải nghệ do không được cấp kinh phí chữa trị chấn thương… Nhiều gương mặt khác là niềm tự hào địa phương như Nguyên Sa, Hoàng Quảng khi cần vẫn bị bán đi trong một nốt nhạc.

Huỳnh Đức cũng không phải mẫu quảng giao. Anh khép kín, đôi khi có những ứng xử gây mất lòng dư luận. Anh cũng là tâm điểm của nhiều chỉ trích, do không được lòng giới truyền thông. Nhưng bảng thành tích thì nói thay tất cả.

Năm 2008, Huỳnh Đức ngồi ghế nóng thay đàn anh Phan Thanh Hùng. Chỉ 1 năm sau, Đà Nẵng đã lên ngôi vô địch V.League và vô địch luôn Cúp Quốc gia. Năm 2012, một lần nữa đội bóng của Huỳnh Đức lại đăng quang V.League, sau đó giành ngôi á quân 2013, hạng ba 2016.

Bóng đá Đà Nẵng từng chia tay Huỳnh Đức năm 2017, đón cựu tuyển thủ quốc gia Minh Phương lên cầm lái. Nhưng đến mùa giải 2018, tình hình chệch choạc khiến lãnh đạo thành phố phải lập tức đón Huỳnh Đức trở về.

Trong thế khó khăn về lực lượng khi lò đào tạo trẻ không sản xuất được nhân tài, ngoại binh ngày càng hiếm người có năng lực, Huỳnh Đức vẫn từng bước tái thiết đội bóng, để lúc này CLB Đà Nẵng đang bất ngờ nằm trong nhóm đầu V.League.

Trên cương vị HLV, Kiatisuk đã chứng minh được năng lực khi dẫn dắt tuyển Thái Lan trong giai đoạn đất nước của anh từng mơ về World Cup. Nhưng ở V.League, Kiatisuk vẫn đang đi tìm kiếm những danh hiệu đầu tiên.

Hai lần thử chèo lái HAGL (các mùa 2006, 2010) của “Zico Thái” đều không mang lại kết quả khả quan (chỉ đứng thứ 4 và 7 V.League). Đó cũng là những trường đoạn bể dâu, khi tiềm lực tài chính và nhiệt huyết của ông chủ giảm, cầu thủ nội sa sút, ngoại binh không còn phù hợp với mặt bằng chung.

Kiatisuk vs Huynh Duc anh 4

Nhưng lần trở lại này của Kiatisuk mang đến nhiều hy vọng mới. HAGL đang sở hữu lứa cầu thủ tốt nhất mà họ từng sản sinh ra. Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã nếm trải đủ hương vị V.League và các giải đấu mà họ từng được đi du học, giờ là lúc họ trưởng thành.

HAGL chơi luôn có nét và cống hiến trong nhiều mùa giải gần đây. Cái mà họ thiếu là sự gai góc, tinh quái và hiệu quả, đặc biệt là cải thiện kỹ năng phòng ngự. Với một người chơi tấn công như Kiatisuk, điều này ban đầu bị nghi ngờ, nhưng sau 7 vòng của V.League 2021, vị trí nhất bảng là câu trả lời thuyết phục.

Kiatisuk lập trình với sa bàn thế nào, chuyện đó hạ hồi phân giải, nhưng trước hết, anh là một chuyên gia tâm lý. Ngày ra mắt CLB, anh cầm đàn, hát bài hát Việt y như thời cầu thủ. Anh và các trụ cột của HAGL tham gia các sự kiện cũng cởi mở, chan hòa giống hệt các buổi tập chiến thuật khô khan.

Từ khi Kiatisuk đến, Hàm Rồng như được thổi một luồng sinh khí mới. Một HLV mang phong cách nghệ sĩ đã được trám vào đội hình những đôi chân khéo léo. Điều đó mang lại những bàn thắng muôn màu, nhưng đáng ngạc nhiên là cũng giảm bớt đi những bàn thua muôn hình vạn trạng hay gặp trong các mùa bóng trước.

Một HAGL đã cân bằng hơn giữa công và thủ. Dàn cầu thủ đã trở nên thực dụng hơn, biết phạm lỗi từ xa, biết cầm nhịp trận đấu, biết kết liễu đối thủ mà không cần các chiêu thức rườm rà. Khi Văn Toàn và các đồng đội ăn mừng theo phong cách “ma sói”, người ta nhận ra những đứa trẻ nhà bầu Đức có thể đã không còn ngờ nghệch nữa.

Như những lần đối đầu quá khứ, chiều 8/4, Kiatisuk lại đến sân nhà của Huỳnh Đức trong thế thượng phong. Hai tượng đài sẽ đấu trí với nhau trong một trận đấu có thể quyết định ngôi đầu bảng giai đoạn I của V.League 2021, và một chương mới lại mở ra.

Kiatisuk vs Huynh Duc anh 5

Hai thẻ vàng khiến HAGL gặp tổn thất lớn Huấn luyện viên Kiatisuk Senamuang sẽ không có sự phục vụ của Lương Xuân Trường và Kim Dong-su trong trận tranh ngôi đầu bảng với CLB Đà Nẵng ở vòng 8 V.League ngày 8/4.

HAGL không còn đá cho vui

Giai đoạn HAGL dạo chơi tại V.League, đá cho vui như lời bầu Đức thừa nhận để trụ hạng vào cuối mùa đã chấm dứt ngay khi Kiatisuk trở lại đội bóng phố núi.

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm