Một lễ hội ngoài trời đông đúc thường không phải nơi hấp dẫn nhất trong một ngày hè nóng nực, đặc biệt khi nhiệt độ lên tới trên 30 độ C. Nhưng nó có thể trở nên hấp dẫn nếu lễ hội bao gồm cuộc đấu súng nước, hồ bơi và nhạc sống do một số nghệ sĩ nổi tiếng nhất hiện nay biểu diễn.
Waterbomb ngày càng phát triển, thậm chí nổi tiếng với cả khán giả quốc tế. Sau Hàn Quốc, Waterbomb 2024 dự kiến sẽ tới Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, TP.HCM.
Lễ hội âm nhạc nóng bỏng nhất mùa hè
Từ năm 2017, Waterbomb đã thu hút hơn 20.000 du khách. Số lượng khán giả tới sự kiện ngày càng tăng qua từng năm. Điểm đặc trưng của Waterbomb là cứ 30 phút, ban tổ chức lại cung cấp nước mát lạnh cho những người tham gia lễ hội, giúp giải tỏa cái nóng mùa hè. Đám đông chia thành hai đội - xanh lá cây và xanh lam - rồi tham gia vào cuộc chiến nước. Hai đội bị ngăn cách bởi hàng rào sắt, nhưng vẫn có thể bắn nhau bằng súng nước. Những người biểu diễn cũng được phân vào một đội.
Tuy nhiên, lòng trung thành với hai đội nhanh chóng tan vỡ, vì những người tham gia lễ hội và cả nghệ sĩ đều phát hiện ra việc bắn vào bất kỳ ai họ nhìn thấy thú vị hơn. Những luồng nước giúp đám đông mát hơn vào ngày nắng nóng, thậm chí một số người phàn nàn họ cảm thấy lạnh vào buổi tối sau khi gió nổi lên.
Baekho, Nayeon, HyunA, Hwasa (lần lượt từ trên xuống) gợi cảm ở Waterbomb 2024 tại Seoul. Ảnh: Fansite. |
Cũng bởi đặc trưng kể trên, các nghệ sĩ tham gia sự kiện đều chọn xuất hiện với trang phục táo bạo. Các nghệ sĩ nam thường bán nude, còn ca sĩ nữ hay chọn áo ba lỗ mỏng manh, hoặc nội y kết hợp chân váy và quần short siêu ngắn. Bởi thế, lễ hội này được xếp hạng R.
Trong 3 ngày ở Waterbomb Seoul 2024, khán giả đã được chứng kiến rất nhiều màn trình diễn táo bạo từ các nghệ sĩ. Chẳng hạn, Cha Eun Woo, Gray, Baekho… bán nude còn Jessi, Bibi, Jeewon chỉ mặc nội y với quần short hoặc váy ngắn. HyunA xuất hiện với mốt lộ nội y gợi cảm phía trong. Hai diễn viên Ryan Reynolds và Hugh Jackman tới xem lễ hội âm nhạc Waterbomb 2024 vào ngày đầu tiên nó diễn ra là 5/7.
Theo tin tức vào 3/7 của Handmk, trong chỉ số lễ hội âm nhạc Hàn Quốc năm 2024 của tuần đầu tiên tháng 7 do Rankify công bố, Waterbomb Seoul đứng thứ 2 với 1.205 điểm. Waterbomb Busan, Jeju, Daegu cũng giữ thứ hạng cao. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn của lễ hội nước cũng như sự mong đợi của khán giả vào sự kiện này. Dẫu vậy, sự kiện vướng không ít tranh cãi.
Những tranh cãi
Theo Korea JoongAng Daily, một trong những yếu tố khiến Waterbomb thường xuyên bị chỉ trích nhất là lãng phí nước và tiếp đến là thiếu các tiện nghi giải trí.
Sự kiện thường có các tiện nghi như phòng chờ theo chủ đề bãi biển đầy cát được trang trí bằng cây cọ và vài hồ bơi. Tuy nhiên, lễ hội không có đủ trò giải trí để giữ những người tham gia lễ hội vui vẻ trong hơn 10 giờ. Kết quả là, một số người tham gia mệt mỏi và bỏ về trước khi lễ hội kết thúc. Ngoài ra, vì có quá ít hồ bơi, những người tham gia lễ hội chịu cảnh nóng nực suốt thời gian dài. Nếu muốn được giải nhiệt, họ phải xếp hàng dài trước khi có cơ hội nhúng chân xuống nước.
Theo Hankook Ilbo, phát thanh viên kiêm DJ người Bỉ Julian Quintart công khai chỉ trích các vấn đề môi trường của lễ hội nước ở Seoul. Lý do là lãng phí tài nguyên, chẳng hạn sử dụng quá nhiều nước và đây là điều đi ngược xu hướng của thời đại.
“Ở một quốc gia ‘căng thẳng về nước’ như Hàn Quốc, chúng ta phải cẩn thận với tài nguyên nước”, ông nhấn mạnh.
Julian chỉ ra thư mời do ban tổ chức Waterbomb gửi tới những người tham gia cũng không thân thiện với môi trường. Thiệp mời năm nay có kèm theo màn hình tinh thể lỏng diode phát sáng chứa video liên quan đến lễ hội. Về điều này, Julian cho biết: “Việc tái chế rất khó khăn, do đó, tôi tức giận và khó chịu khi nhìn thấy thiệp mời chứa những tài nguyên đắt tiền như thế”. Julian lập luận ban tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện các lễ hội thân thiện với môi trường.
Nữ ca sĩ Jeewon gây tranh cãi vì mặc phản cảm ở lễ hội nước. Ảnh: Fansite. |
Thực tế việc Waterbomb lãng phí nước đã gây tranh cãi suốt nhiều năm qua ở Hàn Quốc. Trước Julian, nhiều ngôi sao Hàn Quốc khác cũng lên tiếng chỉ trích vấn đề này.
Hankook Ilbo chỉ ra lễ hội bom nước còn gặp sự cố về an toàn. Tháng 7 năm ngoái, khi đang chuẩn bị sân khấu ở Osaka, Nhật Bản, một nhân viên tử vong vì bị trúng vòi rồng phun ra với tốc độ 120 km/h từ thiết bị phun nước. Vì tai nạn này, lễ hội đột ngột bị hủy bỏ.
Shuhua ((G)I-DLE) cũng từng thể hiện sự tức giận vì bị khán giả ở lễ hội Waterbomb Seoul tấn công vào mặt bằng súng nước trong lúc biểu diễn. Một số thành viên của nhóm không thể mở mắt do liên tục bị khán giả bắn nước vào mặt. Trưởng nhóm Jeon So Yeon chia sẻ: "Mọi người có thể bắn nước vào đâu cũng được, nhưng xin đừng nhắm đến mắt tôi. Tôi muốn nhìn thấy mọi người".
Hàng năm, hình ảnh những người tham gia lễ hội mặc đồ bơi và vui chơi dưới nước đều trở thành chủ đề nóng khi được chia sẻ trên mạng xã hội. Những người nổi tiếng cũng mặc trang phục hở hang để thu hút sự chú ý của công chúng. Theo truyền thông Hàn Quốc, điều này thường xuyên bị chỉ trích là phản cảm.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý do GS Gianni Kriscak cùng Hiền Nguyễn Soprano (nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), Trịnh Thị Oanh (giảng viên thanh nhạc tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương) thực hiện. Sách ra mắt vào tháng 2 và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận.
Sách khảo cứu Lịch sử opera Ý là tác phẩm hiếm hoi về opera được thực hiện bằng tiếng Việt. Qua cuốn sách này, các tác giả đưa ra câu chuyện về một thành tựu văn hóa kinh điển của thế giới nhưng bằng góc nhìn nhẹ nhàng, dễ tiếp cận thay vì quá nặng nề, phức tạp. Các tác giả không đề cập quá nhiều tên, chi tiết và chỉ đưa vào cuốn sách những khoảnh khắc quan trọng, thú vị nhất trong giai đoạn đầu tiên của các vở opera.