Channel News Asia đưa tin, Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Singapore, ông K. Shanmugam, tới thăm Trung Quốc trong 3 ngày, từ ngày 12 đến 14/6 nhằm thúc đẩy các hợp tác về pháp lý, khoa học, công nghệ và đô thị giữa hai quốc gia.
Vị trí hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung Quốc tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN là một trong những chủ đề quan trọng trong các cuộc gặp giữa ông Shanmugam và các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Singapore đề cập tới tuyên bố gần đây của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc vẫn một mực khẳng định, hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương 981 "nằm trong khu vực thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc".
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thừa nhận rằng: " Cả hai nước chưa tiến hành việc phân định ranh giới của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (EEZ) của mỗi bên. Về việc này, cả hai nước đều có quyền đưa ra các yêu sách phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
Theo Channel News Asia, Ngoại trưởng Singapore nhận định, tuyên bố của Bắc Kinh là một "thay đổi tích cực" trong lập trường của Trung Quốc, bởi vì nó công nhận tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đồng thời thừa nhận các vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền vẫn còn chưa phân định thuộc về họ.
“Chúng tôi hoan nghênh triết lý đằng sau tuyên bố của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tuyên bố rõ ràng, nó chính là một bước chuyển biến tích cực”, ông Shanmugam nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 9/6, Bắc Kinh gửi kháng nghị thư lên Liên Hiệp Quốc với nội dung vu cáo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra động thái phản ứng mang tính quốc tế kể từ khi họ ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào thêm lục địa của Việt Nam.
Lý giải cho hành động này, tờ Diplomat cho rằng Trung Quốc đang ngày càng quan ngại hành động pháp lý mang tính quốc tế của các nước láng giềng. Nếu Bắc Kinh yếu thế trong cuộc chiến pháp lý, họ sẽ đánh mất những ưu thế quân sự vượt trội mà Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang có.