Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: PTI. |
Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei hôm 4/10 có bài thuyết giáo đầu tiên sau gần 5 năm tại một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Tehran.
Đây là lần đầu tiên ông Khamenei (85 tuổi) chủ trì buổi cầu nguyện thứ Sáu kể từ khi Mỹ không kích khiến chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Qassem Suleimani thiệt mạng.
"Không lùi bước"
Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei tuyên bố lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza sẽ xuất hiện với nhà lãnh đạo mới và không lùi bước, theo Guardian.
Ông Khamenei cũng lên tiếng về cuộc tấn công tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel hôm 1/10, được cho nhằm trả đũa cái chết của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
Lãnh tụ tối cao Iran nhấn mạnh "hành động xuất sắc của lực lượng vũ trang chúng tôi vài đêm trước là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng", đồng thời là "hình phạt nhẹ nhất" cho "tội ác" của Israel.
Quốc gia nào cũng có quyền bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của mình, ông cho hay.
Trong bài phát biểu chủ yếu bằng tiếng Arab và một phần bằng tiếng Ba Tư, ông Khamenei cũng kêu gọi các nơi từ "Afghanistan đến Yemen và từ Iran đến Gaza" sẵn sàng hành động, đồng thời ca ngợi những người đã hy sinh.
Ông cho biết Iran sẽ không "trì hoãn" nhưng cũng không "hành động vội vã, mà phải làm những gì hợp lý và đúng đắn".
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ở Tehran ngày 4/10. Ảnh: IRNA. |
Liệt kê nhiều thủ lĩnh dân quân bị ám sát, ông Khamenei nói: “Việc mất họ không phải là điều dễ dàng”.
Nhưng ông khẳng định “trục kháng chiến" sẽ “không dừng lại, không lui bước, mà còn tăng tốc”.
Ông cũng cho biết thành tựu duy nhất của Israel sau khi chi hàng tỷ USD ở Gaza và Lebanon là phá hủy các trường học và đặt ra câu hỏi mới về khả năng tồn tại của Israel.
Lo ngại leo thang căng thẳng
Trong khi phát biểu, ông Khamenei mang theo khẩu súng trường bắn tỉa kiểu Dragunov bên mình, trong bối cảnh việc đảm bảo an ninh được siết chặt sau các vụ thủ lĩnh trong "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn liên tục bị ám sát.
Hàng nghìn người đã tập trung tại thủ đô Tehran để nghe Đại giáo chủ Khamenei thuyết giảng, mang theo chân dung những thủ lĩnh đã bị giết chết của "trục kháng chiến".
Theo Guardian, thông qua quy mô đám đông tham dự, giới lãnh đạo Iran muốn thể hiện người dân Iran ủng hộ quyết định tấn công Israel sau vụ giết hại 2 thủ lĩnh của lực lượng đồng minh và chuẩn tướng IRGC Abbas Nilforoushan.
Một số người dân tập trung tại thủ đô Tehran để ủng hộ cuộc tấn công của Iran. Ảnh: New York Times. |
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian mô tả những lời cầu nguyện tập thể có sự tham dự của quân đội cấp cao, giáo sĩ và chính trị gia ở hàng ghế đầu là biểu hiện của sự đoàn kết cùng sức mạnh.
Trong khi đó, tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra lời kêu gọi trực tiếp tới dân thường Iran rằng hãy nổi dậy.
Ông lập luận rằng nếu giới chức trách thực sự quan tâm đến tương lai của người dân, họ đã ngừng lãng phí hàng tỷ USD vào các cuộc xung đột vô ích trên khắp Trung Đông và chi nhiều hơn cho dịch vụ công.
Ông lồng ghép lời kêu gọi của mình với cảnh báo rằng không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận.
Cũng trong ngày 4/10, quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt thủ lĩnh mạng lưới liên lạc của Hezbollah là Mohammad Rashid Sakafi, trong "cuộc tấn công chính xác, dựa trên thông tin tình báo" tại Beirut.
Hôm 1/10, Iran đã phóng hơn 180 tên lửa vào Israel. Trong khi hầu hết đều bị phòng không Israel đánh chặn, với sự hỗ trợ của Hải quân Mỹ, một số đã trúng mục tiêu và gây ra thiệt hại.
Bài phát biểu của ông Khamenei được đưa ra trong bối cảnh Israel đang cân nhắc trả đũa cuộc tấn công, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột Israel - Iran bùng phát thành cuộc xung đột toàn diện ở khu vực Trung Đông.
Một số nhà quan sát nhận định, Israel có thể nhắm tới các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran hoặc làm suy yếu hệ thống phòng không của nước này.
Theo trang FlightRadar24 chuyên theo dõi các chuyến bay, do lo ngại nguy cơ Israel tấn công trả đũa nhằm vào Iran, phần lớn các hãng hàng không đang tránh không phận Iran trong các chuyến bay qua Trung Đông. Điều này kéo dài thời gian bay, đồng thời làm tăng chi phí nhiên liệu.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...