Iran đã phóng 181 tên lửa đạn đạo trong cuộc tấn công hôm 1/10. Ảnh: BESA Center Perspectives. |
Trong nhiều tháng, Mỹ, Anh và các đồng minh khác đã chuẩn bị để giúp Israel đẩy lùi các cuộc tấn công tầm xa tiềm năng từ Iran. Tuy nhiên, hầu hết nỗ lực phòng thủ vào đêm 1/10 dường như chỉ được thực hiện bởi các hệ thống phòng không của Israel, theo Guardian.
Các hoạt động can thiệp quân sự để hỗ trợ Israel duy nhất được công bố là loạt tên lửa đánh chặn từ hai tàu chiến của Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải, và việc các hệ thống phòng không, không quân của Jordan đã tham gia nhắm mục tiêu vào tên lửa của Iran.
Tính chất khác
Việc Iran sử dụng 181 tên lửa đạn đạo tốc độ cao khiến các máy bay của Mỹ và Anh không thể phát huy vai trò hỗ trợ. Các máy bay này đã được chuẩn bị sẵn sàng ở phía đông Địa Trung Hải để bắn hạ các máy bay không người lái Shahed - thường di chuyển chậm hơn, tương tự cuộc tấn công hồi tháng 4 khi Iran sử dụng hỗn hợp nhiều loại vũ khí.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết hai máy bay RAF Typhoons đã cất cánh từ RAF Akrotiri (Cyprus) vào ngày 1/10. Tuy nhiên, dù những chiếc máy bay này đã ở trong vị trí "sẵn sàng", ông Healey thừa nhận chúng không có mục tiêu để tấn công.
“Cuộc tấn công lần này có tính chất khác”, ông nói.
Một ngôi nhà ở Hod Hasharon, Israel, bị phá hủy trong cuộc không kích của Iran vào ngày 2/10. Ảnh: New York Times. |
Trước đó, vào ngày 30/9, Mỹ cũng đã thông báo sẽ điều thêm ba phi đội không quân đến khu vực. Tuy nhiên sau cuộc tấn công, Washington cho biết các máy bay chiến đấu của họ đã không nhắm mục tiêu vào bất kỳ tên lửa nào của Iran, song các quan chức Lầu Năm Góc không tiết lộ liệu có sử dụng máy bay trong hoạt động do thám hay không.
Cả hai lực lượng không quân của Mỹ và Anh đều duy trì sự hiện diện thường xuyên trong và xung quanh khu vực Trung Đông, đồng thời đã tăng cường lực lượng từ tháng 8 do lo ngại Iran có thể đáp trả quân sự sau vụ ám sát lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran. Mỹ đã điều động nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, theo tuyên bố từ Lầu Năm Góc, sự can thiệp quân sự công khai của Mỹ chỉ giới hạn trong việc phóng một loạt tên lửa đánh chặn từ hai tàu chiến USS Bulkeley và USS Cole, và hiện chưa rõ liệu chúng có thành công hay không. Mỹ cũng không xác nhận đã triển khai loại tên lửa nào, tên lửa đánh chặn SM-3 có giá 10-28 triệu USD/quả.
Đòn giáng tài chính?
Tên lửa đánh chặn có chi phí cao hơn so với tên lửa mục tiêu mà chúng có thể tiêu diệt. Vào tháng 4, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro báo cáo với Thượng viện rằng lực lượng của ông đã chi 1 tỷ USD cho vũ khí, bao gồm cả việc hỗ trợ Israel trong cuộc tấn công hồi tháng 4 và tấn công phiến quân Houthi ở Yemen.
Do tên lửa đánh chặn có chi phí cao gấp nhiều lần mục tiêu, các nước thường sử dụng máy bay chiến đấu để nhắm vào các máy bay không người lái, lý tưởng nhất là bắn hạ chúng bằng súng máy.
Tuy nhiên, trong cuộc tấn công lần này, Iran chỉ sử dụng tên lửa đạn đạo. Điều đó cho thấy mục tiêu của Iran, ngoài việc gây thiệt hại cho các sân bay và căn cứ quân sự Israel, còn là gây thiệt hại tài chính cho Israel và các nước phương Tây đang hỗ trợ họ.
Người dân tập trung tại thủ đô Tehran để ủng hộ cuộc tấn công của Iran. Ảnh: New York Times. |
Jordan - đồng minh nhận hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ Mỹ - cũng tham gia vào nỗ lực hỗ trợ Israel trong đêm 1/10, tương tự cuộc tấn công hồi tháng 4, song hiện chưa rõ nỗ lực này hiệu quả đến đâu.
Bộ An ninh Jordan cho biết lực lượng không quân và hệ thống phòng không của họ đã “phản ứng với một số tên lửa và máy bay không người lái xâm nhập vào không phận Jordan”, song báo cáo về máy bay không người lái có thể không chính xác.
Sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với Israel có thể hiệu quả hơn trong lĩnh vực tình báo.
Dù tuyên bố đã gửi cảnh báo về cuộc tấn công thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết các quan chức chỉ thực hiện sau khi các tên lửa với thời gian hành trình 12 phút đã được phóng.
Trong khi đó, Mỹ đã cảnh báo về cuộc tấn công từ khoảng 2,5 tiếng trước đó. Điều này cho thấy có khả năng thông tin này được thu thập qua dữ liệu vệ tinh, tín hiệu tình báo từ các nguồn tin Mỹ, Anh, Israel hoặc nguồn tin quốc tế. Rất có thể nhiều nguồn tin và phương thức tình báo đã được tổng hợp để tạo ra một bức tranh toàn cảnh.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này.