Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lãnh đạo U40 sẽ mang lại sinh khí mới'

"Tôi tin tưởng cán bộ trẻ được sàng lọc sẽ làm tốt nhiệm vụ, mang lại sinh khí, hiệu quả mới cho hoạt động tập thể", Trưởng đoàn đại biểu Nam Định Phạm Hồng Hà chia sẻ.

Ngày 20/10, bên hàng lang Quốc hội, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (nguyên là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định) chia sẻ quan điểm về công tác nhân sự lãnh đạo cấp ủy nhiệm kỳ mới.

- Dư luận quan tâm tới đại hội đảng các tỉnh, thành vì nhiều cán bộ rất trẻ, ở độ tuổi 39, 40 đã trở lãnh đạo cao nhất của tỉnh ủy. Từng là người đứng đầu đảng bộ địa phương, ông đánh giá thế nào về điều này?

- Tôi cho rằng đây là hệ quả tất yếu của công tác cán bộ, qua quá trình quy hoạch, thực hiện công tác quy hoạch và một số quy định như cơ cấu 3 độ tuổi vào Ban chấp hành Đảng bộ. 

Quá trình này đã chuyển biến rất chặt chẽ, những cán bộ trong diện quy hoạch ngày càng tỏ ra có bản lĩnh và có kinh nghiệm. Vì thế, một số lãnh đạo trẻ đã trải qua sang lọc, qua hệ thống đánh giá với từng nấc, từng vị trí công việc rất bài bản. 

Tôi tin tưởng các đồng chí đó sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình, mang lại sinh khí, hiệu quả mới cho hoạt động của tập thể.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nguyên là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định. Hiện ông là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. Ảnh: 

Hoàng Hà.

- Ông nghĩ sao về những ý kiến băn khoăn về năng lực các lãnh đạo trẻ khi có những người xuất thân đã có sẵn "bệ phóng" gia đình?

- Tôi không lo lắng lắm về việc thành phần xuất thân, lịch sử gia đình của mỗi cán bộ. Mỗi nhân sự được chọn vì công tác cán bộ được thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ, qua các bước đi cụ thể. Đúng là có người suy nghĩ rằng có một lợi thế nào đó đối với những cán bộ trẻ nhưng tôi tin rằng đó chỉ là những lo ngại thoáng qua. 

Có thể trong một tập thể sẽ có người này người nọ nhưng đa số cán bộ, đa số Đảng viên thì sẽ có lựa chọn đúng, công tâm. Đánh giá của cán bộ, Đảng viên mới là cái chuẩn nhất và sau cùng. Nếu không đủ sức thực hiện nhiệm vụ thì những người dù đã được chọn cũng không được tiếp tục giữ cương vị. Về mặt nào đó, tôi cho rằng lợi thế gia đình không ảnh hưởng nhiều đến quy trình cán bộ.

- Theo quan điểm của ông, đâu là đòi hỏi đối với vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, nếu không xét về độ tuổi, kinh nghiệm, truyền thống gia đình?

- Như tôi đã nói, hoàn cảnh xuất thân, lịch sử, truyền thông gia đình không phải là yếu tố để đánh giá và lựa chọn cán bộ mà cần dựa chủ yếu trên phẩm chất, năng lực. Công tác cán bộ từ xưa các cụ nhà mình cũng làm thế thôi, vấn đề là phải làm sao đảm bảo cho việc chuyển tiếp giữa các thế hệ vững chắc.

Độ tuổi, dù là yếu tố cần quan tâm nhưng không phải quan trọng nhất. 

- Gần đây, ở một số địa phương, ngay khi cha, chú rút khỏi cương vị rút khỏi cương vị lãnh đạo thì con, cháu cũng đồng thời bước chân vào tỉnh ủy, trở thành những tỉnh ủy, thành ủy viên. Ông nghĩ sao về việc ý kiến cho rằng ở đây có sự thỏa thuận?

- Tôi không nắm cụ thể các trường hợp này nhưng tôi tin rằng cũng có thể có sự trùng hợp, chứ không cứ là bố rút khỏi tỉnh ủy để con vào kiểu “cha lùi thì con tiến”. Cần tùy vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương thì mới biết được.

'Cán bộ 40 tuổi xứng đáng được giao trọng trách'

"Ở Việt Nam vẫn bị tư tưởng sống lâu lên lão làng chi phối. Các trường hợp bí thư tỉnh ủy dưới 40 tuổi, tôi cho là chuyện bình thường", ông Vũ Mão trao đổi với Zing.vn.


Nguyễn Hưng ghi

Bạn có thể quan tâm