- Từng là ủy viên trung ương 5 khóa, ông đánh giá thế nào về đại hội đảng bộ các địa phương vừa qua, đặc biệt là công tác nhân sự?
- Theo tôi, đại hội đảng bộ các địa phương thời gian qua đều được chuẩn bị công phu, tỉnh nào cũng đề ra các mục tiêu cao hơn để phấn đấu thực hiện. Về mặt nhân sự, đã có sự chuẩn bị khá chu đáo. Quy hoạch cán bộ đã coi trọng việc xắp xếp giữa các lứa tuổi, nhiều nơi cán bộ trẻ tham gia nhiều hơn trước.
Về mặt tồn tại, nếu đặt trong không khí tổng kết 30 năm đổi mới thì các nội dung của văn kiện chưa đạt được yêu cầu cho lắm. Cán bộ đảng viên và người dân mong mỏi nội dung văn kiện cần được phân tích sâu sắc hơn và tìm ra những mũi đột phá để tạo chuyển biến ngay sau đại hội.
Báo cáo chính trị, phương hướng đặt ra vẫn còn chung chung trong khi chúng ta cần chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Tôi đơn cử ở TP HCM, việc nêu 7 chương trình đột phá là rất cần thiết, tuy nhiên nhiều chỗ vẫn còn chung chung. Ví dụ, mục tiêu chống ngập, bảo vệ môi trường chưa tìm được lối ra một cách căn cơ, hướng giải quyết cho vấn nạn này chưa rõ. Vừa qua tiền đầu tư nhiều nhưng hiệu quả không cao. Ở Hà Nội tình hình cũng tương tự.
Ông Vũ Mão là Ủy viên trung ương Đảng 5 khóa liên tiếp. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Ông nghĩ sao về các trường hợp ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh ở độ tuổi 30?
- Tôi cho là ở độ tuổi trên dưới 30 được vào cấp ủy là rất tốt. Đây là lực lượng cần được quan tâm đưa vào để đào tạo; còn nếu giao thẳng cho họ nắm giữ các cương vị quan trọng thì e rằng hơi cao. Nhiều người nhận thấy, lứa tuổi này nếu bố trí vào các cương vị trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật thì tốt, họ sẽ có những đột phá; còn trong lĩnh vực chính trị, trong quản lý thì có băn khoăn, liệu các cán bộ đó đã đủ độ chín chưa? Họ mới ra trường vài năm, chưa từng trải.
Theo tôi cũng không nên quá vội vàng, đặt nặng tiêu chí trẻ tuổi đảm các chức vụ chủ chốt mà nên tạo điều kiện cho họ lăn lộn cơ sở, được thử thách và sẽ trưởng thành vững chắc.
Một vấn đề mà tôi rất quan tâm là cần bố trí nhiều cán bộ trẻ vào ủy viên dự khuyết của cấp ủy để đào tạo. Theo tổng kết của tôi, ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, số Ủy viên dự khuyết lên tới 70% so với chính thức. Đại hội IV, V, VI, có giảm nhưng vẫn chiếm 30-40%. Ngắt quãng mấy đại hội sau chúng ta không có dự khuyết, đến Đại hội X, XI có Uỷ viên dự khuyết nhưng tỷ lệ cũng chỉ chiếm hơn 10%. Tôi cho như thế là quá ít, rất khó đào tạo cán bộ trẻ.
Với tình hình hiện nay, tôi đề nghị cần đưa ra tỷ lệ ủy viên dự khuyết trong cấp uỷ các địa phương khoảng 30%. Mỗi đảng bộ địa phương nếu có từ 15-17 ủy viên dự khuyết thì không lo gì có lớp lãnh đạo kế cận trẻ tuổi. Tuy nhiên, đại hội cấp tỉnh đã gần xong, vấn đề này cần được quan tâm đề cập ở đại hội cấp tỉnh ở lần sau.
- Tại sao ở nhiều nước độ tuổi 40 làm lãnh đạo quốc gia là bình thường nhưng ở Việt Nam hiện nay Bí thư tỉnh 39 tuổi vẫn coi là hiện tượng?
- Ở các nước quan niệm thông thoáng hơn, còn ở ta vẫn bị tư tưởng “sống lâu lên lão làng” chi phối. Hơn nữa, ở các nước có tranh cử. Quả thật tranh cử sẽ chọn ra nhân tài, không bị ràng buộc về tuổi tác.
Ở nước ta đã thành thói quen, coi cán bộ lãnh đạo ở tuổi 40 là trẻ. Thực ra ở độ tuổi 40 đang là thời kỳ sung sức, nếu được rèn luyện và kinh qua các lĩnh vực công tác từ cơ sở thì rất xứng đáng giao các trọng trách. Vừa qua, các trường hợp bí thư tỉnh ủy dưới 40 tôi cho là chuyện bình thường, mặc dầu chưa có tiền lệ, ít nhất kể từ 1986 tới nay. Vấn đề hiện nay là cách thức đào tạo, tuyển chọn, bố trí và luân chuyển cán bộ của ta còn có chỗ chưa ổn. Hậu quả là khi họ trở thành người lãnh đạo thì đã “cứng” tuổi.
Để khắc phục tình trạng này tôi đề nghị:
Thứ nhất, việc bầu cử trong Đảng cần có tranh cử. Qua tranh cử đương sự sẽ bộc lộ được tài năng. Cùng với tài năng là đạo đức. Tiêu chí đạo đức phải rõ ràng, nhất là phải liêm chính, không tham nhũng.
Thứ hai, phải tạo điều kiện để cán bộ trẻ được giao các công việc từ cơ sở rồi dần dần kinh qua các công việc cao hơn. Qua đó giúp họ có kinh nghiệm và bản lĩnh xử lý công việc.
- Ông mong muốn gì đối với lớp cán bộ trẻ của nhiệm kỳ này?
- Với cá nhân những người vừa được bầu chọn vào vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, tôi kỳ vọng ở họ tình yêu đất nước, luôn tự hào về tổ quốc, xứng đáng là công dân Việt Nam. Tôi mong muốn họ có được tấm lòng nhiệt thành cách mạng, hết lòng, tận tụy với công việc mình làm, tận tuỵ phục vụ nhân dân.
Là người cán bộ lãnh đạo, tôi mong họ sống có tâm, sống chân thành, không cơ hội. Người lãnh đạo cũng cần phải biết, phải thấm nỗi đau của người khác.
- Tân Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu là ông gặp áp lực lớn khi nhậm chức. Theo ông, áp lực lớn nhất của lãnh đạo trẻ là gì?
- Theo tôi, áp lực lớn đối với các cán bộ trẻ là vượt qua được chính bản thân mình. Chẳng có cách nào khác là họ phải nỗ lực ở mức cao nhất. Họ không những phải thể hiện năng lực điều hành, trình độ chuyên môn mà còn phải chứng tỏ được đạo đức, phẩm chất cách mạng trong sáng.
Nếu là cán bộ lãnh đạo tốt, đạo đức trong sáng, hết lòng vì nhân dân thì sẽ được mọi người thừa nhận và cảm mến. Còn nếu như không có được những phẩm chất đó thì sau một thời gian công tác những nhược điểm sẽ bộc lộ ra hết, không thể che giấu được.
- Tân Bí thư của Kiên Giang, Đà Nẵng được bầu ở tuổi 39, họ đều không phủ nhận truyền thống gia đình trong sự nghiệp của mình. Trong thời gian tới, họ phải làm gì để xóa tan những ý kiến cho rằng vị trí họ có được chủ yếu nhờ lợi thế truyền thống?
- Việc coi trọng đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ là con em các đồng chí lãnh đạo thì trước đây Bác Hồ là người đi tiên phong.
Năm 1949, Bác chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Các học viên gồm hai đối tượng. Một là, tập hợp các cháu từ 11 đến 15 tuổi từng tham gia chiến đấu hoặc làm liên lạc ở các đơn vị quân đội. Hai là con em các đồng chí lãnh đạo trung cao cấp. Được đào tạo từ tấm bé, rồi trải qua nhiều môi trường công tác, họ đã trưởng thành và được giao những cương vị công tác quan trọng như Lê Xuân Tùng, Vũ Khoan, Vũ Mão, Vũ Quốc Hùng...
Bây giờ chúng ta không có trường đào tạo riêng như vậy. Vì thế, với lớp thanh niên là con em của lãnh đạo đã được học hành, trưởng thành và có điều kiện thì việc sắp xếp bố trí như vậy tôi cho là cần thiết. Nhưng nếu chúng ta quá ưu ái, tạo điều kiện quá mức thì lại là không tốt.
Bản thân họ cần tiếp tục tích cực rèn luyện, cần tránh những biểu hiện con ông cháu cha. Sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, họ có điều kiện ăn học chu đáo, kể cả việc ra nước ngoài học tập. Đó là những thuận lợi hiển nhiên. Điều quan trọng là biết mình biết người, chịu khó gắn với cơ sở, thấu hiểu nỗi lòng của người dân; đồng thời phải hết sức khiêm tốn để rèn luyện, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên.
Nhìn ở một khía cạnh khác, truyền thống gia đình không hẳn là một lợi thế tuyệt đối. Mỗi cán bộ có xuất thân như vậy phải tỉnh táo nhìn rõ mặt phải và cả mặt trái của gia đình mình bởi đâu phải mọi thứ trong gia đình đều là ưu điểm. Họ cần lắng nghe dư luận xã hội, lắng nghe những góp ý nhiều chiều để phát huy các điểm tốt, khắc phục các điểm tồn tại.
- Với xu thế cán bộ trẻ, tu nghiệp tại nước ngoài, ông có kỳ vọng gì về vận hội của đất nước?
- Có cơ hội được học tập ở nước ngoài là điều rất tốt. Đất nước ta đang hội nhập vào cộng đồng quốc tế, người lãnh đạo vừa có thực tiễn trong nước lại vừa có ngoại ngữ, có hiểu biết các nước trên thế giới thì rất thuận lợi cho công việc. Đấy là lợi thế nhưng không phải là tất cả.
Điều quan trọng nhất là lòng yêu nước và tự hào vể tổ quốc của mình để từ đấy lo toan cho sự mạnh giàu của đất nước, mưu cầu cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.
Ông Vũ Mão (sinh năm 1939), là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng liên tục 5 khóa (từ khóa V tới khóa IX), đại biểu Quốc hội 4 khóa VIII, IX, X, XI.
Trong quá trình công tác, ông từng trải qua nhiều vị trí như Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng và nhiều ủy ban của Quốc hội. Hiện ông là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.