Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã lần đầu huy động các loại vũ khí không chiến tối tân như tên lửa vượt âm Fattah 1 trong đợt không kích vào Israel nhằm đáp trả cho chiến dịch tiêu diệt một loạt lãnh đạo cấp cao của Hezbollah, Hamas và IRGC trong thời gian gần đây.
Ở chiều ngược lại, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết đã đánh chặn thành công hầu hết tên lửa do Iran bắn đi và chưa ghi nhận thương vong về người.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các lực lượng quân sự của Mỹ đang đóng trong khu vực "hỗ trợ Israel phòng thủ" và bắn hạ tên lửa của Iran.
Tổng thống Biden hôm 1/10 đã triệu tập một cuộc họp với Phó tổng thống Harris và nhóm an ninh quốc gia để thảo luận về kế hoạch của Iran sắp tiến hành một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào Israel. Ảnh: X/Nhà Trắng. |
Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã gọi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel là "không thể chấp nhận được".
"Đợt không kích của Iran là không thể chấp nhận được. Chúng tôi lên án mạnh mẽ điều này. Nhưng đồng thời, Nhật Bản muốn hợp tác để xoa dịu tình hình và ngăn chặn cuộc xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện", ông Ishiba nói.
Các quan chức cấp cao từ Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đều lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel, cảnh báo về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra đối với Trung Đông.
Thủ tướng Anh Keir Starmer gọi đợt không kích của Iran là "nỗ lực gây tổn hại lên những người Israel vô tội" và "làm leo thang tình hình nguy hiểm hiện tại" ở Trung Đông.
Theo thông tin từ văn phòng của ông Starmer, thủ tướng Anh đã có cuộc gọi cho người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu khi đợt tấn công của Iran bắt đầu.
"Tôi lo ngại rằng khu vực này đang bên bờ vực chiến tranh và tôi rất quan ngại về nguy cơ tính toán sai lầm", ông Starmer nói.
Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: New York Times. |
Thủ tướng Starmer cho biết ông đã gọi điện cho ông Netanyahu và những người đồng cấp Lebanon, Pháp và Palestine để thúc đẩy "một lộ trình chính trị tiến về phía trước".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng lên án cuộc tấn công của Iran "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể".
"Chúng tôi đã lập tức cảnh báo Iran về sự leo thang nguy hiểm này. Tehran phải dừng cuộc tấn công ngay lập tức. Đợt không kích đang đưa khu vực Trung Đông vào vực thẳm", bà Baerbock viết trên mạng xã hội X.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier cũng mô tả rằng đợt không kích mới nhất của Iran đã "đẩy Trung Đông vào tình hình cực kỳ nguy ngập".
Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, cảnh báo rằng "một chu kỳ tấn công và trả đũa nguy hiểm" đang diễn ra và có nguy cơ "vượt ra khỏi tầm kiểm soát".