Một loạt chiến đấu cơ của Israel đã không kích Lebanon vào nửa đêm 3/10 (giờ địa phương) trong nỗ lực nhắm vào ông Hashem Safieddine, người anh em họ và cũng là người có thể kế nhiệm ông Hassan Nasrallah - thủ lĩnh tối cao của Hezbollah mới bị ám sát tuần rồi, một nguồn tin từ ba quan chức Israel cho biết.
Đây là một trong những đợt không kích mạnh nhất nhắm vào Beirut kể từ sau cái chết của ông Nasrallah. Ông Safieddine được cho là đã có mặt trong hầm ngầm nơi các lãnh đạo cấp cao của Hezbollah đang họp, vốn là mục tiêu trong đợt không kích của Israel.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ số phận của ông Safieddine sau đợt tấn công này.
Thành viên cấp cao của Hezbollah
Ông Safieddine có mối liên hệ tôn giáo và gia đình mật thiết với Iran, quốc gia bảo trợ cho phong trào Hồi giáo dòng Shiite. Bên cạnh đó, ông Safieddine có ngoại hình rất giống với người anh em họ Nasrallah, cố thủ lĩnh tối cao của Hezbollah.
Một nguồn tin thân cận với Hezbollah nói rằng hiện ông Safieddine là người có khả năng cao nhất sẽ thay thế ông Nasrallah làm lãnh đạo tối cao của lực lượng này.
Nỗ lực ám sát ông Safieddine cũng là động thái mới nhất từ phía Israel trong chiến dịch tiêu diệt hệ thống lãnh đạo đầu não của Hezbollah, theo New York Times.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Israel đã khởi động chiến dịch trên bộ tiến vào lãnh thổ miền Nam Lebanon.
Israel liên tục tiến hành nhiều đợt tấn công nhằm vào Lebanon. Ảnh: New York Times. |
Ông Safieddine sinh ra vào đầu những năm 1960 tại miền Nam Lebanon. Ông cũng là một trong những thành viên sớm nhất gia nhập lực lượng Hezbollah sau khi tổ chức này thành lập với sự hậu thuẫn của Iran vào những năm 1980.
Song song với người anh em họ Nasrallah, ông Safieddine nhanh chóng thăng tiến và tham gia vào nhiều vai trò khác nhau trong Hezbollah.
Ông Safieddine trở thành nhà lãnh đạo chính trị, văn hoá và tôn giáo cho Hezbollah, đồng thời quản lý các hoạt động của lực lượng này.
Tương tự cố lãnh đạo Nasrallah, ông Safieddine cũng thường xuất hiện với chiếc khăn quấn đầu màu đen, gắn liền hình ảnh bản thân ông với một giáo sĩ Shiite trang nghiêm.
Ông Hashem Safieddine có ngoại hình và lối ăn mặc tương đồng với cố lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah. Ảnh: AA Photo. |
Vào năm 1995. ông Safieddine được tiến cử vào Hội đồng tư vấn quản lý, vốn là đơn vị lãnh đạo cao cấp nhất của Hezbollah.
Ít lâu sau, ông Safieddine tiếp tục được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhóm Jihadi - đơn vị kiểm soát các hoạt động quân sự của lực lượng Hezbollah.
Năm 1998, ông Safieddine được bầu làm lãnh đạo Hội đồng điều hành của Hezbollah. Ông Nasrallah cũng từng hai lần giữ vị trí này, theo New York Times.
Mối quan hệ mật thiết với Iran
Một điểm tương đồng nữa giữa ông Safieddine và ông Nasrallah nằm ở việc cả hai đều theo học tại Iran. Ông Safieddine đã phát triển vòng tròn quan hệ mạnh mẽ khi theo học và nghiên cứu về tôn giáo tại thành phố Qom của Iran trước khi trở về Lebanon để phục vụ Hezbollah.
Trong số những mối quan hệ mật thiết mà ông Safieddine xây dựng được trong thời gian theo học tại Iran có người bạn thân là Thiếu tướng Qassim Suleimani, người từng là chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trước khi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Baghdad vào năm 2020.
Cũng trong năm 2020, Reza Hashem Safieddine, con trai ông Safieddine, đã kết hôn với Zeinab Suleimani, con gái của Tướng Iran Qassem Suleimani.
Tướng Iran Qassem Suleimani và con gái Zeinab Suleimani. Ảnh: IranINTL. |
Giới phân tích cho rằng cuộc hôn nhân này hướng đến việc thắt chặt mối liên kết giữa Iran và Hezbollah. Bộ Tài chính Mỹ thậm chí miêu tả rằng ông Safieddine là cầu nối giữa giới lãnh đạo Hezbollah với Iran.
Vào tháng 5/2017, Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc ông Safieddine là phần tử khủng bố vì vai trò lãnh đạo của ông ở Hezbollah.
Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi ông Safieddine là “một nhà lãnh đạo cấp cao” thuộc Hội đồng điều hành cấp cao của Hezbollah. Ông Safieddine được cho là giữ vai trò “quản lý các hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục và vận hành của tổ chức này”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng ông Safieddine là “một mối nguy khủng bố nghiêm trọng có thể đe dọa đến chính sách đối ngoại và nền an ninh quốc gia Mỹ”.
Trước đó, vào năm 1997, Mỹ đã quy Hezbollah vào hàng ngũ các tổ chức khủng bố và cáo buộc lực lượng này đứng sau nhiều đợt tấn công khiến hàng trăm người Mỹ thiệt mạng.
Một số hoạt động bị Mỹ quy trách nhiệm cho Hezbollah bao gồm loạt đánh bom liều chết trên xe tải nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và Doanh trại Hải quân Mỹ tại Beirut vào năm 1983, vụ chiếm đóng Đại sứ quán Mỹ ở Beirut vào năm 1984 và vụ cướp máy bay TWA vào năm 1985.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...