Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 17/12 đã thông báo Tôn Ba, cựu tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC), bị buộc tội đổi chát quyền lực lấy lợi ích tài chính và nhận hối lộ. CCDI nói ông Tôn đã “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia”.
Trong khi đó, dẫn nhiều nguồn thạo tin, South China Morning Post ngày 18/12 tiết lộ các điều tra viên còn đang xem xét cáo buộc ông Tôn cung cấp thông tin mật về tàu sân bay Liêu Ninh cho các điệp viên nước ngoài.
CCDI cho biết quá trình điều tra đã hoàn tất và vụ việc đã được chuyển sang các cơ quan tư pháp. Ông Tôn cũng đã bị cách chức và khai trừ đảng, nhưng CCDI không cho biết thời gian ông bị khai trừ.
Khó thoát khỏi án tử hình?
Một số nguồn tin cho rằng cựu lãnh đạo CSIC có thể nhận án tử hình hoặc “tử hoãn”. Theo luật hình sự Trung Quốc, bị cáo sẽ được “treo” án tử hình trong hai năm; nếu bị phát hiện thêm tội danh sẽ bị xử tử; nếu không sẽ được giảm xuống án chung thân.
“Mức án sẽ tùy vào mức độ quan trọng của những thông tin mà ông Tôn chuyển cho các gián điệp nước ngoài”, một nguồn tin cho biết. “Nếu ông ấy bán thông tin tuyệt mật, ông ấy sẽ nhận án tử hình”.
Trong khi đó, theo một nguồn thạo tin hải quân Trung Quốc, giới lãnh đạo nước này muốn lấy trường hợp của ông Tôn Ba là “án điểm”, gửi thông điệp cảnh cáo đến các quan chức cấp cao khác.
Tôn Ba, cựu tổng giám đốc CSIC, có thể nhận án tử vì chuyển thông tin mật cho gián điệp nước ngoài. Ảnh: SCMP. |
Giữ chức vụ tổng giám đốc CSIC từ năm 2015, Tôn Ba được xem là phó lãnh đạo của tập đoàn đóng tàu hàng đầu Trung Quốc, chỉ dưới chủ tịch tập đoàn Hồ Vấn Minh.
“Ông ấy chịu trách nhiệm các dự án đóng tàu sân bay của tập đoàn trong hơn một thập niên”, nguồn tin hải quân Trung Quốc cho biết. “Ông Tôn có khả năng cao sẽ nhận án tử hình vì ông ấy là quản lý chính của dự án cải tiến tàu Liêu Ninh”.
CSIC đóng vai trò then chốt trong việc phát triển và đóng tàu chiến cho hải quân Trung Quốc. Tập đoàn này đang tham gia vào dự án đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc - tàu Type 001A. Dự án được thực hiện ở xưởng đóng tàu đặt tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc. Thiết kế của Type 001A dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Điều tra tập trung tàu sân bay Liêu Ninh
Về mặt chính thức, thông cáo đối với vụ án của ông Tôn Ba từ CCDI, cơ quan dẫn đầu cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc, không đề cập đến dự án Liêu Ninh.
Tàu sân bay Liên Ninh chính thức hoạt động từ năm 2012, sau gần 10 năm được CSIC tân trang và cải tiến. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, South China Morning Post ghi nhận các thông báo khác trên cổng thông tin của CSIC và CCDI thời gian qua cho thấy vụ án của ông Tôn có liên quan đến dự án tàu Liêu Ninh.
Một bản thông báo từng cho biết CCDI đã gửi đội điều tra đến các xưởng đóng tàu vào ngày 6/3. Đội này tiến hành điều tra bất ngờ và toàn diện trong vòng 1 tháng liên quan đến các vi phạm của ông Tôn.
Một bản thông báo khác cho biết, một thành viên đội điều tra của CCDI ngày 10/6 đã quay lại CSIC. Người này chuyển lại “bốn chỉ thị” của lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh. Các chỉ thị được dựa trên kết quả cuộc điều tra trước đó về ông Tôn Ba.
Theo bản tin này, Bắc Kinh đã yêu cầu lãnh đạo CSIC củng cố nhận thức chính trị và siết chặt các biện pháp duy trì “an ninh và bảo mật” trong thời gian chế tạo “những vũ khí tối tân” của đất nước, hướng đến xây dựng “một quân đội mạnh” cho Trung Quốc.
Khái niệm “vũ khí tối tân” được sử dụng phổ biến cho dự án tàu sân bay của Trung Quốc, hiện đại hóa lực lượng hải quân và tăng sức mạnh trên biển cho quân đội nước này.