Trung Quốc sẽ tiến tới việc sản xuất hàng loạt tiêm kích trên hạm J-15 sau khi động cơ phản lực sản xuất trong nước đã đạt chất lượng tương tự sản phẩm nhập khẩu từ Nga, South China Morning Post dẫn lời giới phân tích quân sự cho biết. Họ nói rằng các vấn đề kỹ thuật với động cơ phản lực WS-10H đã được khắc phục. Nó đã đạt lực đẩy và tuổi thọ ngang với động cơ AL-31F của Nga đang sử dụng trên J-15.
Động cơ WS-10H từng bị chỉ trích không đủ mạnh để trang bị cho J-15, tiêm kích trên hạm nặng nhất thế giới, và chỉ hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc với trọng lượng cất cánh 33 tấn. Trung Quốc buộc phải nhập khẩu động cơ AL-31F của Nga để trang bị cho J-15, dẫn đến phụ thuộc nguồn cung và không thể sản xuất J-15 với số lượng lớn.
Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay đến năm 2030, khi Trung Quốc nỗ lực phát triển lực lượng hải quân có thể hoạt động trên toàn cầu. Để đáp ứng mục tiêu này, Trung Quốc cần ít nhất 130 tiêm kích trên hạm vào năm 2030. Hiện tại, J-15 là tiêm kích trên hạm duy nhất của Trung Quốc với số lượng khoảng 30 chiếc.
Tiêm kích J-15 thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật với động cơ sản xuất trong nước. Ảnh: Getty. |
Tàu sân bay nội địa Type-001A đầu tiên của Trung Quốc đang được thử nghiệm trên biển. Type-001A dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 10/2019. Chiếc tàu nội địa thứ 2, tức tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, đang được đóng ở Thượng Hải.
Li Jie, chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, nhận xét động cơ WS-10H hiện có lực đẩy và tuổi thọ ngang với động cơ AL-31F của Nga, nhưng vẫn kém xa động cơ F414 của Mỹ sử dụng trên tiêm kích F/A-18.
Thông tin về động cơ WS-10H xuất hiện không lâu sau khi các nguồn tin quân sự nói với South China Morning Post rằng động cơ WS-15 dùng cho tiêm kích tàng hình J-20 đã khắc phục được lỗi kỹ thuật và sẽ sẵn sàng để sản xuất hàng loạt vào cuối năm.
Bên cạnh đó, tập đoàn máy bay Thẩm Dương, nhà sản xuất J-15, đang phát triển máy bay tiêm kích trên hạm mới dựa trên máy bay chiến đấu tàng hình FC-31. Một số nguồn tin quân sự nói với South China Morning Post rằng các máy bay chiến đấu Trung Quốc thường xuyên gặp vấn đề với động cơ, thiết kế khí động học và lỗi phát sinh từ những sửa đổi của họ.
Theo tờ báo Hong Kong, ít nhất đã có 4 vụ tai nạn liên quan đến tiêm kích trên hạm J-15, chỉ có 2 trường hợp được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin. Một phi công thiệt mạng và một bị thương trong 2 vụ tai nạn của J-15, được cho là do lỗi động cơ, trong năm 2016. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nói rằng tai nạn xảy ra do lỗi hệ thống điều khiển.
Trong 1 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh việc phát triển động cơ phản lực chất lượng cao trong nước. Ít nhất 150 tỷ nhân dân tệ ( khoảng 22 tỷ USD) đã được đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển động cơ phản lực.