Tại đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng ACB tổ chức sáng 6/4, một nhà đầu tư đặt câu hỏi ban lãnh đạo nhà băng này có dự định mua lại các ngân hàng nhỏ hay không để tăng quy mô của ACB.
Trả lời cổ đông, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cho biết việc mua bán, sáp nhập (M&A) là vấn đề được ông quan tâm và luôn để ý trên thị trường.
Tuy nhiên, ông Huy nhấn mạnh một thương vụ M&A không phải chỉ để tăng quy mô mà phải còn cần sự phù hợp, tương đồng về văn hóa, chiến lược, thị trường giữa hai bên để tạo ra sự phát triển lâu dài của ACB.
“Khi sáp nhập cần tính toán vì có rất nhiều vấn đề. Nếu trái ngược về văn hóa sẽ tạo ra khó khăn. Trên thị trường cũng có trường hợp sáp nhập không thành công”, chủ tịch ACB chia sẻ với cổ đông.
Một câu hỏi được nhiều cổ đông đặt ra về dự định của ACB với công ty con ACBS. Đây là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn điều lệ.
Các cổ đông cho rằng trong khi ACB tăng trưởng cao, luôn ở trong nhóm các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thì ACBS lại phát triển chậm, thua kém nhiều công ty chứng khoán khác. Do đó, nhà đầu tư chất vấn liệu ACB có rút vốn khỏi ACBS hay không.
Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy khẳng định ngân hàng sẽ không thoái vốn khỏi ACBS. HĐQT ACB đang chủ động tìm đối tác chiến lược để cùng phát triển công ty chứng khoán này và sẽ tái cơ cấu ACBS. Việc tăng vốn cho công ty chứng khoán này được cân nhắc theo nguyên tắc phải có lợi cho cổ đông.
Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn nhận khuyết điểm về ACBS khi nhiều cổ đông phàn nàn về hoạt động của công ty chứng khoán này. Ông Toàn cam kết HĐTV và ban điều hành ACBS sẽ có những cải cách để thay đổi tốt hơn trong mắt nhà đầu tư, khách hàng.
ACB đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục | ||||||
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB từ 2017 | ||||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 KH | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 3656 | 6389 | 7516 | 9596 | 10602 |
Cũng tại đại hội, CEO ACB thông tin về tình hình kinh doanh quý I của ngân hàng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.105 tỷ đồng. Tín dụng tăng hơn 4% so với cuối năm 2020, cân bằng với tăng trưởng huy động vốn. Tổng tài sản tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Nợ xấu được kiểm soát dưới 0,7%.
Năm 2021, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận 10.602 tỷ đồng, tăng 10% so với mức lãi 2020. Nếu hoàn thành kế hoạch này, ACB sẽ gia nhập câu lạc bộ ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ cùng với Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, VPBank, MBBank.
Lãnh đạo ACB nhấn mạnh ngân hàng sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược nhất quán tập trung vào phân khúc bán lẻ, hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Nhà băng này có chiến thuật riêng cho từng thị trường trọng yếu, đặc biệt là mở rộng tại miền Bắc, khu vực lãnh đạo ACB đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng khi ngân hàng chưa hoạt động mạnh như ở miền Nam.
Song song đó, việc đảm bảo chất lượng tài sản, cụ thể là kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1% vẫn là ưu tiên trong quá trình tăng trưởng của ACB. Đây là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn hệ thống. Để đảm bảo thận trọng, ACB chưa xem xét tham gia vào mảng trái phiếu doanh nghiệp vì lãnh đạo đánh giá đây là lĩnh vực khá rủi ro.