HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ trình kế hoạch kinh doanh 2021 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.602 tỷ đồng để đại hội cổ đông thường niên được tổ chức vào đầu tháng 4 tới phê duyệt. Đây là mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử của ACB. Năm 2020, ngân hàng này báo lãi gần 9.600 tỷ đồng.
ACB tham vọng đạt lợi nhuận kỷ lục | ||||||
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB từ năm 2017 | ||||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 KH | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 3656 | 6389 | 7516 | 9596 | 10602 |
Nếu hoàn thành kế hoạch này, ACB sẽ chính thức gia nhập câu lạc bộ ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ. Năm 2020, 5 nhà băng cán mốc lãi trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng gồm Vietcombank (23.045 tỷ), VietinBank (17.070 tỷ), Techcombank (15.800 tỷ), VPBank (13.019 tỷ), MBBank (10.688 tỷ).
Nhóm này cùng với ACB, BIDV (9.214 tỷ) bỏ rất xa các ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng về lợi nhuận như HDBank (5.818 tỷ) hay VIB (5.803 tỷ).
Một số kế hoạch kinh doanh khác của ACB gồm tổng tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng tăng 9%, tín dụng tăng 9%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Riêng chỉ tiêu tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
ACB đồng thời trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ ACB sẽ tăng từ 21.616 tỷ lên 27.019 tỷ đồng. Năm 2021, ACB cũng dự kiến duy trì mức chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB đóng cửa phiên 15/3 với mức tăng 2% lên thị giá 33.500 đồng. Vốn hóa thị trường tương ứng của ngân hàng này hơn 71.200 tỷ đồng (3,1 tỷ USD).
Cổ phiếu ACB ghi nhận giao dịch đột biến gần đây khi nhóm quỹ thuộc Dragon Capital bán ra 95 triệu cổ phiếu vào ngày 12/3. Tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại ACB theo đó giảm từ 12% xuống 7,6%. Đây hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại nhà băng này.