Sau thành quả bước đầu của chiến dịch tiêm chủng, với tỷ lệ người được tiêm vaccine cao hơn một số nền kinh tế lớn khác, Anh đang trở thành một "phép thử" ở châu Âu trong nỗ lực mở cửa giữa thời kỳ Covid-19.
Dù vậy, khi số ca bệnh mới do biến chủng Delta (nguồn gốc từ Ấn Độ) tăng gần 80% chỉ trong một tuần, Giáo sư Adam Finns, cố vấn khoa học của chính phủ Anh, khẳng định "làn sóng lây nhiễm thứ 3 chắc chắn đang xảy ra" ở quốc gia này, theo Guardian.
Trong trường hợp nước Anh dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế, những tổn thất về con người là thực tế khó tránh khỏi. Vấn đề đặt ra cho chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson là bao nhiêu nhân mạng nữa sẽ mất đi trước khi nền kinh tế Anh kịp phục hồi, theo Straits Times.
Làn sóng Covid-19 thứ 3 đang xảy ra ở Anh. Ảnh: Reuters |
Làn sóng thứ 3 đã bắt đầu
Hôm 17/6, Bộ Y tế Anh thông báo số ca lây nhiễm vẫn gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Trong đó, tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất nằm trong độ tuổi 20-29, nhiều bệnh nhân trong nhóm này vẫn chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Đặc biệt, số ca nhiễm biến chủng Delta ở Anh tăng gần 80% chỉ trong một tuần. Trong khi đó, số người nhập viện tăng gần gấp đôi.
Giáo sư Adam Finns, cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cho biết: “Biến chủng Delta đang tăng lên, dù tốc độ lây lan không nhanh hơn nữa, chúng vẫn sẽ lan rộng".
Không chỉ vậy, số ca tử vong do Covid-19 của Anh cũng ở mức cao nhất châu Âu. Tính đến ngày 19/6, con số này là 128.000 trường hợp.
“Có thể kết luận rằng cuộc đua đang diễn ra giữa chương trình vaccine, đặc biệt là mũi tiêm thứ hai cho người lớn tuổi, và làn sóng lây nhiễm thứ 3 của biến thể Delta”, ông Finns nói.
Theo ông Finns, thay vì tiêm mũi vaccine đầu tiên cho trẻ em, ưu tiên hàng đầu lúc này là thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành ở Anh, những người đang mắc bệnh.
Giáo sư Finns cảm thấy "không tự tin" về khả năng chương trình vaccine có thể chiến thắng sự lây lan của biến thể Delta.
Dù vậy, khi dữ liệu cho thấy sự gia tăng các ca bệnh đã giảm so với lo ngại trước đó, ông Finns thừa nhận vẫn "có cơ sở để lạc quan".
Trong khi đó, ông Mike Tildesley, một chuyên gia về dịch tễ học, tin rằng những người mới bị nhiễm Covid-19 "trẻ hơn, và do đó cũng khỏe hơn". Ông Tildesley hy vọng thực tế trên là "tín hiệu tốt" về khả năng hồi phục của các bệnh nhân trong giai đoạn mới.
“Chúng tôi cần theo dõi điều này trong vài tuần tới để cung cấp cho chính phủ nhiều thông tin nhất có thể, trước khi mở cửa trở lại vào ngày 19/7”, ông Tildesley cho biết.
Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế phòng dịch ở Anh vào ngày 19/7 là "phép thử" quan trọng cho chính quyền Thủ tướng Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
"Chặng cuối"?
Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào tháng 3/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói với người dân rằng: “Nhiều gia đình sắp mất đi những người thân yêu".
Đến thời điểm hiện tại, ông Johnson có lẽ sẽ phải trấn an công chúng Anh thêm lần nữa, khi chính phủ nước này có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch trong tháng 7.
Sau khi quyết định kéo dài các hạn chế thêm bốn tuần do số ca nhiễm ở mức cao nhất từ tháng 2, ông Johnson tin tưởng việc mở cửa nền kinh tế vào ngày 19/7 sẽ là "chặng cuối" cho hành trình chống dịch kéo dài 15 tháng của Anh.
Suy nghĩ này dựa trên các nghiên cứu và tính toán của chính phủ Anh về tính ưu việt của vaccine trong việc phá vỡ mối liên kết giữa virus SARS-CoV-2 và đại dịch Covid-19.
Dù vậy, giới chức Anh biết rằng căn bệnh "chết chóc" sẽ không biến mất hoàn toàn.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hôm 16/6 nói rằng mục tiêu trong thời điểm hiện tại là "sống chung với virus SARS-CoV-2 như một loại virus cúm thông thường".
"Câu hỏi đặt ra là Anh đã sẵn sàng cho mức độ lây nhiễm tới mức nào, và bao nhiêu bệnh nhân sẽ nhập viện?" Bác sĩ Lawrence Young, chuyên gia tại Trường Y Warwick, bày tỏ lo ngại.
Chính phủ Anh cho rằng bằng cách cung cấp liều vaccine thứ hai cho nhiều người hơn, quyết định kéo dài các hạn chế thêm bốn tuần sẽ ngăn chặn hàng nghìn trường hợp tử vong khác.
Nghiên cứu cho thấy mũi vaccine thứ hai đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người Anh chống lại biến thể Delta.
Hôm 18/6, toàn bộ công dân Anh trên 18 tuổi bắt đầu được tiêm vaccine Covid-19. Cứ theo đà này, đến trước ngày 19/7, chính phủ Anh tính toán 2/3 số công dân Anh trưởng thành sẽ được tiêm chủng đầy đủ.
Dù vậy, ông Nadhim Zahawi, người chịu trách nhiệm về việc triển khai vaccine ở Anh, hôm 11/6 cảnh báo việc tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cần được tiến hành "chặt chẽ" hơn trong vài tuần tới.
Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ một số lo ngại về biến chứng sau khi tiêm vaccine.
Dù vậy, một số thành viên của đảng Bảo thủ lại đang thúc đẩy chính phủ Anh hành động nhanh hơn trong việc dùng vaccine kiểm soát virus corona, bất kể đội ngũ của ông Johnson sẽ triển khai chương trình tiêm chủng sắp tới theo cách nào.
Chiến dịch tiêm chủng ở Anh đang tạo ra những tín hiệu tích cực. Ảnh: AFP. |
Rủi ro và những thiệt hại
So với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, Straits Times ước tính GDP của Anh đã giảm 5%. Thậm chí, tổn thất do đại dịch gây ra còn có thể để lại những di chứng lâu dài đối với nền kinh tế.
Trên khắp nước Anh, các hộp đêm vẫn đóng cửa. Nhà hàng và quán rượu phải chật vật tìm cách hoàn vốn trong điều kiện sức chứa của các cơ sở kinh doanh bị giới hạn một phần. Các hãng hàng không Anh thậm chí còn đối mặt với nhiều hạn chế hơn so với các đơn vị khác ở châu Âu.
Theo bà Kate Nicholls, người đứng đầu một hiệp hội thương mại ở Anh, việc trì hoãn kế hoạch mở cửa có thể khiến ngành khách sạn mất 4,1 tỷ USD. Thực tế này ảnh hưởng đến khả năng đặt phòng nghỉ trong suốt mùa hè và nhiều hệ lụy khác, bà Nicholls cho biết.
"Đa phần công chúng sợ hãi một cách phi lý, trong khi nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp phải chịu tổn thất", ông Luke Johnson, chủ tịch công ty Risk Capital Partners, khẳng định.
"Một nền văn hóa tôn thờ chủ nghĩa an toàn sẽ khiến nhiều công việc bị cuốn đi và các công ty rơi vào lụn bại", ông Johnson cho biết.
Trên thực tế, tình trạng lây nhiễm cao khiến Anh dường như khác biệt với nhiều quốc gia châu Âu.
Hiện tại, Đức và Pháp có động thái nới lỏng các hạn chế Covid-19 vào mùa hè, còn Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/6 cũng dỡ bỏ quy định kiểm soát đi lại đối với người dân Mỹ.
Người Anh biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế trong đại dịch tại thủ đô London vào tháng 6. Ảnh: Reuters. |
“Chúng ta phải chấp nhận mức độ rủi ro nhất định, vì nước Anh sẽ không thể giữ cho số ca tử vong luôn bằng 0", ông Jamie Jenkins cựu chuyên gia tại Văn phòng Thống kê Quốc gia, cho biết.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò vào tháng 4, 65% số người được hỏi đồng ý dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nếu số ca tử vong do Covid-19 bằng với với số ca tử vong do bệnh cúm.
Theo dữ liệu do chính phủ công bố, chưa đầy 4.000 người Anh thiệt mạng trong mùa cúm 2018-2019. Tuy nhiên, khác với cúm mùa, Covid-19 dễ lây nhiễm hơn và khả năng gây tử vong cũng cao hơn.
Trong bối cảnh đó, cựu Bộ trưởng Steve Baker lo ngại về viễn cảnh nước Anh "trống rỗng" và "đầy ám ảnh" sau khi các doanh nghiệp sụp đổ do ảnh hưởng từ Covid-19.
"Xã hội này không thể vận hành chỉ với mục đích ngăn các bệnh viện rơi vào tình cảnh hết giường", lãnh đạo Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg khẳng định.