Cô Linda Wu - một quản lý cấp cao tại Alibaba - mới đây đã chuyển đến Hàng Châu để làm việc và liên tục được mời chào mua nhà. Cô cho biết người môi giới tại đây giới thiệu hiện tại là "thời điểm vàng để mua nhà", vì nhiều người mất việc làm đang không thể trả các khoản thế chấp và rao bán nhà với giá rất rẻ.
Theo SCMP, giá nhà tại Hàng Châu và Thâm Quyến - nơi các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent tọa lạc - đã tăng nhiều lần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm nhân sự của các công ty này ở thời điểm hiện tại đã khiến thị trường bất động sản tại khu vực lân cận trở nên bất ổn.
Trụ sở Alibaba ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Cụ thể, Alibaba đã sa thải khoảng 10.000 nhân viên trong quý II/2022, khiến giá nhà tại Hàng Châu liên tục sụt giảm. Giá nhà cũ ở quận Dư Hàng của tỉnh này đã giảm khoảng 2.150 USD/m2 trong vài tháng qua với lý do cung vượt quá cầu. Giá nhà ở một khu phố đắc địa khác cũng từng đạt 12.052 USD/m2, nhưng hiện đã giảm gần 30% xuống chỉ còn 8.700 USD/m2.
Trong khi đó, số lượng nhà cũ được rao bán trên các website bất động sản ngày một tăng lên. Các bài đăng trên mạng xã hội cũng đề cập nhiều đến xu hướng này, khi các nhân viên công nghệ bị sa thải cho biết họ không thể tiếp tục trả tiền mua nhà.
Ngoài quận Dư Hàng, các khu vực khác như Trung Quan Thôn (Bắc Kinh) - nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc - hay quận Nam Sơn thuộc tỉnh Thâm Quyến cũng đang chịu tình trạng tương tự.
Ở Thâm Quyến - nơi đặt trụ sở của Tencent và Huawei - các hợp đồng mua nhà được ký kết thành công đã giảm gần một nửa vào năm 2022 so với năm trước đó. Lý giải về điều này, ông Alan Cheng - Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Centaline ở Thâm Quyến - cho biết nguyên nhân đến từ việc các nhân viên công nghệ bị sa thải và có thể phải chuyển đi nơi khác. Được biết, trong quý III/2022, Tencent đã cắt giảm gần 7.300 vị trí tại tập đoàn này.
Trước đó, trong 2 thập kỷ kể từ những năm 2000, lĩnh vực công nghệ bùng nổ đã mang lại cho các thành phố này sự phát triển kinh tế vượt bậc và một làn sóng công nhân văn phòng với mức lương cao.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ và phần mềm tại nước này đã đạt 8,08 triệu người vào năm 2021, với mức lương trung bình khoảng 30.000 USD/năm.
Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn như Tencent hay Alibaba cũng cung cấp cho nhân viên của mình nhiều phúc lợi về nhà ở. Năm 2021, Tencent đã triển khai kế hoạch cung cấp các khoản vay không lãi suất lên tới gần 1 triệu nhân dân tệ để nhân viên mua nhà. Alibaba và Huawei cũng nối tiếp theo sau khi cung cấp các căn hộ giá rẻ và nhiều điều kiện giảm giá. Do đó, những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đã đổ xô đến Hàng Châu và Thâm Quyến để định cư, khiến giá nhà sau đó tăng vọt.
Nhưng trong năm 2022, việc các nhà phát triển bất động sản phải đối mặt với những khủng hoảng liên tiếp đã khiến thị trường nhà đất tại nước này lung lay. Bong bóng bất động sản tại Hàng Châu và Thâm Quyến cũng thế mà vỡ theo khi nhiều người còn phải chịu cảnh thất nghiệp.
Trụ sở của Tencent tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Hiện tại, tỷ lệ người dân Trung Quốc muốn mua nhà đã giảm xuống mức 16,1% trong quý IV/2022, thấp hơn 10% so với quý trước đó.
Và ngay cả các chuyên gia công nghệ cũng là một phần của sự thay đổi này. "Triển vọng nghề nghiệp bấp bênh và tình hình toàn ngành chưa chắc sẽ tốt hơn trong năm 2023 khiến chúng tôi không dám nghĩ đến việc mua nhà", cô Linda Wu cho biết.
Trước đó, cô đã cân nhắc về việc mua một căn hộ tại Hàng Châu, nhưng bây giờ thì cô Wu đang băn khoăn và muốn suy nghĩ thêm vì không chắc rằng mình có bị mất việc trong tương lai không.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...