Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một năm đáng quên của thung lũng Silicon

Ngành công nghệ đã có một năm 2022 đáng quên khi chỉ số Nasdaq giảm gần 1/3, còn các gã khổng lồ công nghệ như Amazon hay Meta thì "bay" một nửa vốn hóa.

Theo CNN, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, Apple đã đạt được một cột mốc quan trọng mới cho ngành công nghệ, đó là trở thành công ty đầu tiên đạt mức giá trị vốn hóa 3.000 tỷ USD, theo sau là Microsoft và Google. Khi đó, một loạt dự đoán về việc các công ty công nghệ khi nào sẽ cán mốc 5.000 tỷ USD đã xuất hiện.

Tuy nhiên, những gì xảy ra trong phần còn lại của năm 2022 lại hoàn toàn khác. Ngành này đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và trở thành một trong những lĩnh vực thất bại nhất năm. Nhu cầu công nghệ như thời kỳ đại dịch đã không còn, lạm phát tăng cao, lãi suất nhảy vọt và những lo ngại về suy thoái kinh tế đã đè nặng áp lực lên người tiêu dùng và các nhà quảng cáo, khiến doanh thu của các công ty công nghệ sụt giảm liên tiếp.

Kết quả là giá cổ phiếu toàn ngành lao dốc, hàng chục nghìn nhân viên bị sa thải, và kể cả những gã khổng lồ như Amazon hay Meta cũng không tránh khỏi xu hướng chung.

nganh cong nghe 2022 anh 1

Ngay cả những gã khổng lồ công nghệ cũng lao đao trong năm 2022. Ảnh: Getty Images.

Lĩnh vực công nghệ trong năm 2022 gần như đã nổ tung. Toàn bộ những dự án khổng lồ đã bắt đầu bị trì hoãn và các công ty thì nỗ lực cắt giảm chi phí. Ngay cả danh hiệu tỷ phú giàu nhất thế giới - trước đây thuộc về nhà sáng lập Tesla Elon Musk - cuối cùng cũng đã đổi ngôi vào tay Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn hàng xa xỉ LVMH.

Năm 2022 đã phơi bày ra những điểm yếu trong ngành công nghệ, và nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lĩnh vực này đã phải thừa nhận sai lầm khi điều hành công ty.

Sự thức tỉnh của Thung lũng Silicon

Khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, các công ty công nghệ có cơ hội phát triển nhanh và mạnh hơn khi mọi người buộc phải ở nhà.

Facebook lúc đó đã tăng gần gấp đôi số lượng nhân viên và đặt cược hàng tỷ USD vào một phiên bản tương lai của internet được gọi là metaverse. Tương tự, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng tăng cường tuyển dụng và mở rộng số lượng kho hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến.

Tuy nhiên, thị trường sau đó đã thay đổi. Bà Angela Lee, giáo sư tại Đại học Columbia chia sẻ: “Nhiều công ty công nghệ không thể dự đoán tương lai nhưng họ cứ luôn nghĩ rằng những gì xảy ra trong thời kỳ đại dịch sẽ trở thành xu hướng tất yếu".

Trên thực tế, đại dịch là một sự kiện cực kì hiếm và không ai trong chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra. Sau đó, những nhà lãnh đạo từng được ca ngợi ở Thung lũng Silicon đã phải thừa nhận rằng họ đang quá lạc quan về tình hình tăng trưởng của công ty trong thời kỳ đại dịch.

Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của việc tăng lãi suất trong năm nay. Được biết, ngành này nhạy cảm với việc tăng lãi suất hơn so với các ngành khác vì nhiều công ty công nghệ phải dựa vào nguồn vốn vay để theo đuổi các dự án khổng lồ, kể cả khi chưa có lợi nhuận.

Chỉ trong năm 2022, chỉ số công nghệ Nasdaq đã giảm hơn 30% trong khi từng tăng hơn 40% vào năm 2020 và 20% vào năm 2021. Giá trị vốn hóa thị trường của Apple hiện chỉ còn quanh mức 2.000 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Amazon đã giảm khoảng 50% từ đầu năm đến nay còn giá cổ phiếu của Meta thậm chí đã mất gần 2/3 giá trị.

nganh cong nghe 2022 anh 2

Cổ phiếu Meta thậm chí đã mất gần 70% giá trị trong năm nay. Ảnh: OpIndia.

Trở về với thực tại

Một dấu hiệu khác cho thấy ngành công nghệ đã lao dốc trong năm nay là sự xuất hiện của các kỳ lân công nghệ dần ít đi. Trong năm 2021, trung bình mỗi ngày có hơn 2 kỳ lân mới xuất hiện, tuy nhiên tỷ lệ hiện tại chỉ ở mức dưới 1.

Ngoài ra, theo dữ liệu từ công ty phân tích CB Insights, vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu của quý III/2022 chỉ đạt 74,5 tỷ USD và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Con số này so với mức đỉnh của quý IV/2021 đã giảm gần 60%.

Mặc dù việc cắt giảm chi phí hiện tại có thể gây khó khăn cho những nhà sáng lập công nghệ, nhiều chuyên gia lại cho rằng xu hướng này là một điều tích cực cho toàn ngành.

Họ tin rằng việc điều chỉnh này như "một sự thức tỉnh" sẽ giúp loại bỏ các yếu tố dư thừa trên thị trường, và đảm bảo rằng các công ty có khả năng tài chính tốt hơn để hướng tới tăng trưởng bền vững.

Dù vậy, “nỗi đau” mà những công ty tại Thung lũng Silicon phải gánh chịu ở thời điểm hiện tại dường như chưa đi tới hồi kết. Chẳng hạn, trong bản ghi nhớ họp tại Amazon, CEO Andy Jassy cho biết việc sa thải nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2023.

Nhiều nhân viên công nghệ bị sa thải đã tìm được việc ngay

Trung bình, mỗi nhân viên công nghệ chỉ cần chưa đến 3 tháng để tìm được công việc mới sau khi bị sa thải.

Elon Musk khuyên nhân viên đừng phân tâm vì thị trường chứng khoán

Đây là lời nhắn nhủ của tỷ phú Elon Musk với nhân viên trong những ngày cuối năm 2022, sau khi cổ phiếu Tesla giảm hơn 10% vào hôm thứ ba (27/12).

Elon Musk, Mark Zuckerberg và những tỷ phú công nghệ tệ nhất năm

Mark Zuckerberg, Elon Musk hay Sam Bankman-Fried bị đánh giá là những ông chủ công nghệ tệ nhất năm nay vì đã khiến công ty của mình gặp khó khăn hoặc sụp đổ.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Hằng Nga

Bạn có thể quan tâm