Một ngôi sao chới với bởi lực hút của một hố đen siêu lớn. Lực hấp dẫn cực lớn chậm rãi lột từng lớp vật chất của ngôi sao, tạo thành vành đai khí xung quanh hố đen trong quá trình nó chuyển hóa năng lượng hấp dẫn thành bức xạ điện từ, tạo ra một nguồn ánh sáng nhìn thấy cực mạnh với nhiều bước sóng, CNN mô tả.
Sau đó, trong diễn biến ngoạn mục hơn, một luồng hạt vật chất hẹp vọt ra khỏi hố đen với vận tốc gần bằng ánh sáng.
Đó là cảnh tượng mà một nhóm nhà thiên văn quốc tế đang theo dõi bằng một mạng lưới kính thiên văn radio trên khắp hành tinh.
Hình minh họa những luồng hạt vọt ra khi hố đen nuốt dần ngôi sao. Ảnh: CNN. |
Từ tháng 3/2016, Jun Yang, một nhà thiên văn của Đại học Công nghệ Chalmers ở Thụy Điển, chỉ đạo một nhóm chuyên gia thiên văn quốc tế nghiên cứu một quá trình hố đen nuốt ngôi sao bằng cách sử dụng mạng lưới kính thiên văn radio VLBI trên khắp trái đất.
Hố đen mang tên Swift J1644+57, được phát hiện vào năm 2011, khi nó đang chậm rãi xé xác một ngôi sao. Sự kiện diễn ra ở một nơi cách xa trái đất đến nỗi ánh sáng từ nó cần tới 3,9 tỷ năm để tới địa cầu.
Khi ngôi sao bị hút vào hố đen, Yang nói rằng nó phát ra những luồng ánh sáng và hạt với tốc độ gần bằng ánh sáng.
"Hệ thống kính thiên văn radio giúp chúng tôi thu được những thông số chính xác nhất", Jun Yang tuyên bố.
Nhóm chuyên gia thiên văn nhận định rất có thể phát hiện của họ chỉ là sự khởi đầu, nghĩa là giới nghiên cứu sẽ biết thêm nhiều điều nữa về một trong những hiện tượng bí ẩn nhất trong vũ trụ.
Khi một ngôi sao lọt vào tầm kiểm soát của hố đen, lực hút khủng khiếp của hố đen sẽ bóc dần từng lớp vật chất của ngôi sao. Ảnh: CNN. |
Trước đó, cũng trong năm nay, các nhà khoa học phát hiện sóng hấp dẫn phát ra từ quá trình sáp nhập của hai hố đen. Phát hiện này chứng minh một phần quan trọng trong thuyết tương đối của nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein sau hơn 100 năm từ khi ông công bố.
"Kết quả quan sát của thế hệ kính thiên văn tiếp theo sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những diễn biến trong quá trình hố đen nuốt ngôi sao, cũng như cơ chế luồng hạt cực mạnh hình thành và phát triển ngay cạnh hố đen", Stefanie Komossa, nhà thiên văn của Viện Thiên văn Radio Max Planck tại Đức, phát biểu.