Hitomi - thiết bị tối tân do các kỹ sư Nhật Bản chế tạo - bay lên vũ trụ hồi tháng 2 để tìm những tia X thoát ra từ các hố đen và cụm thiên hà.
Nhưng sau khi Hitomi tới quỹ đạo, các nhà nghiên cứu của Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thừa nhận họ mất khả năng kiểm soát thiết bị và nói rằng nó không còn liên lạc nữa.
Ban lãnh đạo JAXA điều động vài chục người giỏi nhất tham gia nỗ lực cứu Hitomi. Nhưng hôm 28/4, họ thừa nhận thất bại và tuyên bố họ sẽ phải bỏ nó, Japan Timesđưa tin.
"Chúng tôi kết luận các chức năng của vệ tinh không thể phục hồi. Tôi xin lỗi vì từ bỏ chiến dịch cứu Hitomi", ông Saku Tsuneta, Tổng giám đốc Viện Khoa học Không gian và Thiên văn thuộc JAXA, phát biểu trong cuộc họp báo.
Các quan chức JAXA công bố quyết định bỏ chiến dịch cứu vệ tinh Hitomi trong cuộc họp báo tại thành phố Tokyo hôm 28/4. Ảnh: Kyodo |
Ông Tsuneta nói rằng việc Nhật Bản mất Hitomi không chỉ là tổn thất đối với Nhật Bản, mà còn là kết cục đáng thất vọng đối với những nhà thiên văn trên khắp thế giới, bởi họ kỳ vọng khá cao vào khả năng thành công của thiết bị.
"Chúng tôi xin lỗi vì chúng tôi không thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người", ông nói.
Các quan chức JAXA nhận định rất có thể những tấm pin mặt trời - cung cấp năng lượng cho những thiết bị chính xác - đã rời khỏi vệ tinh, khiến khối thiết bị trị giá 250 triệu USD trở nên vô dụng trong không gian.
JAXA hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và một số tổ chức khác để chế tạo Hitomi. Nhiệm vụ của nó là giải mã bí mật của hố đen - dạng vật chất con người chưa bao giờ quan sát trực tiếp.
Giới khoa học tin rằng hố đen là tàn dư của những ngôi sao khổng lồ sụp đổ vào phía trong và lực hấp dẫn của chúng mạnh đến nỗi không dạng vật chất nào, bao gồm ánh sáng, có thể thoát. Việc phát hiện sóng hấp dẫn lần đầu tiên hồi tháng 2 giúp con người có thêm bằng chứng về sự tồn tại của hố đen.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ phóng một vệ tinh có sứ mệnh tương tự Hitomi vào năm 2028.