NASA tuyên bố họ đã nhận một tín hiệu ở khoảng cách hơn 860 triệu km từ hệ Mặt Trời. Tín hiệu đó xác nhận phi thuyền Juno đã tiến vào quỹ đạo sao Mộc thành công, CNN đưa tin.
Dòng chữ "Chào mừng tới sao Mộc" hiện lên các màn hình trong Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tại thành phố Pasadena, bang California, Mỹ hôm 4/7 theo giờ địa phương. Nhóm dự án tàu Juno reo hò và ôm nhau vì vui mừng.
Nhiệm vụ chính của Juno là nghiên cứu cấu tạo và quá trình tiến hóa của sao Mộc. Ảnh: NASA. |
"Đây là một kỳ tích", ông Geoff Yoder, một quan chức cấp cao của NASA, phát biểu.
Juno phải thực hiện một động tác khó khi giảm tốc độ để tiếp cận quỹ đạo sao Mộc. Động cơ chính của nó hoạt động trong 35 phút để tàu giảm vận tốc xuống mức 542 m/giây.
Vụ phóng Juno diễn ra gần 5 năm trước. Nó sẽ là phi thuyền đầu tiên bay quanh sao Mộc kể từ khi tàu Galileo lao xuống bề mặt hành tinh này vào ngày 21/9/2003 để bảo vệ một trong những phát hiện quan trọng. Dữ liệu từ Galileo cho thấy rất có thể một đại dương đang tồn tại trên Europa, vệ tinh của sao Mộc.
Là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ, sao Mộc là khối cầu khí khổng lồ có đường kính lớn gấp 11 lần và nặng gấp 300 lần địa cầu. Giới nghiên cứu nhận định nó là hành tinh đầu tiên hình thành trong hệ Mặt Trời và nắm những manh mối về quá trình tiến hóa của Thái Dương Hệ.
Tàu Galileo đã bay tới sao Mộc, song các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về nó. Chẳng hạn, họ muốn biết những hiện tượng diễn ra bên dưới các đám mây dày đặc của Mộc Tinh, hay lượng nước trong khí quyển của nó.
Bằng cách nghiên cứu cấu trúc bên dưới bề mặt của sao Mộc, tàu Juno sẽ giúp con người giải mã những bí ẩn. Juno sẽ bay quanh hai cực của sao Mộc để tránh những vành đai bức xạ nguy hiểm nhất của nó. Phi thuyền sở hữu một bộ phận đặc biệt để ngăn chặn bức xạ.