2MASS J1119–1137, tên của hành tinh bay vô định, có niên đại khoảng 10 triệu năm (quá trẻ so với tuổi của vũ trụ) và cách địa cầu khoảng 95 năm ánh sáng. Các nhà khoa học dự đoán khối lượng của nó gấp 4-8 lần sao Mộc và nó đang trôi nổi gần Thái Dương Hệ.
Hình minh họa một hành tinh di chuyển tự do trong không gian. Ảnh: NASA |
Kendra Kellogg, một sinh viên của Đại học Western Ontario tại Canada, cùng các cộng sự phát hiện hành tinh đơn độc khi họ phân tích dữ liệu từ kính thiên văn hồng ngoại góc rộng (WISE) trong không gian của NASA và một số kính thiên văn trên mặt đất, Daily Mail đưa tin.
"Vì phần lớn ánh sáng của vật thể là bức xạ hồng ngoại, chúng tôi kết luận nó là hành tinh trẻ và nóng", Kellogg phát biểu.
Dữ liệu từ các kính thiên văn cho thấy hành tinh đơn độc di chuyển gần nhóm sao ra đời muộn nhất trong không gian gần hệ Mặt Trời. Nhóm này bao gồm khoảng hơn 20 ngôi sao có niên đại hơn 10 triệu năm và cùng di chuyển vô định trong vũ trụ.
Trên thực tế, 2MASS J1119–1137 là hành tinh lang thang có độ sáng lớn thứ hai mà con người từng phát hiện. Hành tinh di chuyển vô định sáng nhất là PSO J318.5−22, vật thể mà các nhà thiên văn phát hiện 3 năm trước. Tuổi của hành tinh ấy là 23 triệu năm, gấp hơn hai lần so với 2MASS J1119–1137.
"Phát hiện những hành tinh di chuyển tự do là cơ hội lớn để chúng ta nghiên cứu bản chất của những hành tinh khổng lồ bên ngoài hệ Mặt Trời", Kellogg phát biểu.
Nữ sinh viên cũng nói thêm rằng quan sát những hành tinh trôi nổi tự do dễ hơn nhiều so với những hành tinh xoay quanh các ngôi sao.
"Chúng di chuyển đơn độc trong không gian và hoạt động quan sát của chúng tôi không chịu tác động bởi ánh sáng của các ngôi sao", cô giải thích.