Những sao chổi có đường kính từ 50 km trở lên có thể trở thành hiểm họa đối với địa cầu. Ảnh: Reuters |
Hôm 22/12, các nhà nghiên cứu của Đài thiên văn Armagh và Đại học Buckingham (Anh) cảnh báo rằng việc hàng trăm sao chổi khổng lồ tồn tại bên ngoài Thái Dương Hệ làm tăng khả năng mảnh vỡ sao chổi, chứ không phải thiên thạch, hủy diệt sự sống trên hành tinh xanh, RT đưa tin.
Trong một bài viết trên số tháng 12 của tạp chí Astronomy & Geophysics thuộc Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh, các chuyên gia cảnh báo rằng vài trăm sao chổi siêu lớn, với đường kính từ 50 tới 100 km hoặc hơn, đang di chuyển theo quỹ đạo hình elip không ổn định. Chúng cắt ngang quỹ đạo của những hành tinh lớn trong hệ Mặt Trời, bao gồm các sao Thổ, Mộc, Thiên Vương, Hải Vương.
Lực hấp dẫn của các hành tinh có thể đẩy những sao chổi ra khỏi quỹ đạo của chúng và văng về phía trái đất.
Khi di chuyển trong không gian gần địa cầu, các sao chổi có thể phân rã thành bụi và những mảnh lớn hơn. Vì thế, việc chúng tác động tới trái đất là viễn cảnh mà nhân loại phải đối mặt.
“Một sao chổi lớn mang theo lượng vật chất lớn hơn nhiều so với tất cả thiên thạch từng bay gần trái đất”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng, trong quá trình phân rã, những mảnh vỡ sao chổi có thể lao tới trái đất trong nhiều đợt. "Những đợt tấn công gián đoạn của chúng có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài tới 100.000 năm", họ dự đoán.
Giáo sư Bill Napier, một nhà nghiên cứu của Đại học Buckingham, nói rằng ông và các cộng sự đã dành nhiều thời gian và công sức để theo dõi và phân tích nguy cơ va chạm giữa trái đất và một thiên thạch.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng ta cũng nên để ý vùng không gian sát Thái Dương Hệ, cũng như bên ngoài quỹ đạo của sao Mộc để tìm những sao chổi khổng lồ. Nếu chúng tôi phán đoán đúng, những sao chổi xa xôi có thể trở thành hiểm họa nghiêm trọng và bây giờ chúng ta phải hiểu chúng rõ hơn”, Napier phát biểu.