NASA lên kế hoạch đưa tàu thám hiểm đến Europa, một trong các vệ tinh của sao Mộc, vào những năm 2020. Tên chưa chính thức của sứ mệnh này là Europa Clipper.
Europa cách Mặt trời khoảng 800 triệu km. Nó giống như một quả cầu băng khổng lồ với đường kính 3.200 km, gần bằng mặt trăng. Các nhà khoa học cho rằng bên dưới lớp băng là đại dương ngầm sâu đến 100 km. NASA đang nỗ lực thiết kế ra kiểu robot phù hợp để thám hiểm vệ tinh này.
Robot mực ống
Theo Mirror, đây được cho là một trong những robot quái lạ và độc đáo nhất của NASA. Robot có hình dạng rất giống con mực ống. Các nhà khoa học kỳ vọng cỗ máy trong tương lai có thể tìm ra dấu hiệu sự sống ở vệ tinh của sao Mộc.
Robot không chạy bằng các loại năng lượng thông thường mà sử dụng một ăng-ten đặc biệt gắn trên lưng để thu năng lượng từ sự thay đổi từ trường trên Europa.
Robot hình mực ống của NASA . Ảnh: NASA |
Bằng cách này, robot có thể hoạt động trong thời gian dài ở những vùng biển tăm tối. Ngoài ra, các nhà khoa học còn muốn sử dụng nó để nghiên cứu tiền trạm cho con người ở các hành tinh mà các thiết bị chạy bằng nhiên liệu Mặt trời hay hạt nhân không làm được. Loại robot này vẫn chưa có tên chính thức.
Phần thân robot được cấu tạo để di chuyển linh hoạt. Các bộ phận trông như xúc tu giúp đẩy robot đi về phía trước, băng xuyên qua đại dương lạnh giá, thậm chí là di chuyển trên mặt đất.
Bên ngoài robot được trang bị một lớp phủ phát quang, có thể phát sáng khi vào vùng biển tăm tối. Từ đó, các camera có thể thu được hình ảnh rõ nét hơn.
Cỗ máy bắn laser cực mạnh
Một thiết kế đáng chú ý khác là xe tự hành BRUIE. Cỗ máy dài 7,3 m, có khả năng chụp ảnh và thu thập dữ liệu. Những thông tin này sẽ giúp giới khoa học hiểu được cấu trúc băng và nước trên Europa.
Các chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của (NASA) đang thử nghiệm và không ngừng hoàn thiện BRUIE. Phiên bản mới nhất của cỗ máy có thể hoạt động ở độ sâu 200 m.
BRUIE được thử nghiệm trong môi trường nước - Ảnh: NASA |
Khi đến Europa, xe tự hành sẽ được điều khiển thông qua vệ tinh trên quỹ đạo. Bên trong BRUIE được lắp các bộ vi xử lý, cảm biến và một số thiết bị liên lạc. 2 bên hông là các tấm chắn với cảm biến, đèn, camera, pin, 2 động cơ và nhiều thiết bị khác, Techinsider cho hay.
Xe tự hành sẽ thu thập mọi dữ liệu môi trường xung quanh, từ nước biển đến cả sinh vật sống nếu chúng có tồn tại. Ngoài ra, do lớp băng trên Europa dày từ 20 đến 30 km nên các nhà khoa học còn lắp trên BRUIE một robot xuyên phá laser tạm gọi là Valkyrie.
Robot sẽ dùng tia laser làm tan chảy lớp băng, đào một đường hầm cho BRUIE xâm nhập vùng biển ngầm bên dưới. Các nhà học đang tiến hành nhiều đợt thử nghiệm Valkyrie ở sông băng Matanuska tại Alaska, Mỹ.