CPI của Mỹ đi ngang trong tháng 5. Ảnh: The US Sun. |
Theo CNBC, Bộ Lao động Mỹ vừa thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đi ngang so với tháng 4 và thấp hơn mức dự báo 0,1 điểm %. So với cùng kỳ năm trước, CPI toàn phần của Mỹ đã tăng 3,3%, giảm từ mức 3,4% của tháng 4 và thấp hơn mức dự báo là 3,4%.
Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát đã kỳ vọng mức tăng hàng tháng là 0,1 điểm % và tỷ lệ hàng năm là 3,4%.
CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) tăng 0,2 điểm % so với tháng trước và 3,4% so với một năm trước, so với dự báo lần lượt là 0,3 điểm % và 3,5%.
Sau thông tin trên, hợp đồng tương lai Dow Jones đã tăng hơn 200 điểm, giá vàng giao ngay bật tăng gần 10 USD, hiện giao dịch quanh mức 2.323 USD/ounce. Tương tự, giá Bitcoin cũng bật tăng 3% lên gần 70.000 USD/BTC.
Ngược lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 11 điểm xuống 4,3%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 13 điểm xuống 4,7%.
Số liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt trên diện rộng, chỉ riêng chi phí nhà ở tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Các con số liên quan tới nhà ở là yếu tố khiến Fed “đau đầu” trong cuộc chiến chống lạm phát và cũng chiếm tỷ trọng cao trong rổ CPI Mỹ.
CPI Mỹ tăng yếu hơn dự báo nhờ giá năng lượng giảm 2%, trong khi thực phẩm chỉ tăng 0,1%. Trong giá năng lượng, giá khí đốt giảm tới 3,6%. Đáng chú ý là bảo hiểm xe gắn máy giảm 0,1% so với tháng trước, nhưng vẫn còn tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
“Cuối cùng thị trường cũng thấy những tín hiệu bất ngờ theo hướng tích cực. Giá xăng đã giảm, nhưng không may là chi phí nhà ở vẫn tiếp tục tăng và vẫn là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Nếu chi phí nhà ở không quay đầu giảm, chúng ta sẽ không thấy CPI hạ nhiệt đáng kể”, Robert Frick, chuyên gia kinh tế tại Navy Federal Credit Union nhận định.
Báo cáo CPI được đưa ra ngay thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong cuộc họp bàn liên quan tới chính sách tiền tệ về lãi suất, lạm phát, GDP. Cơ quan này hiện cân nhắc kỹ lưỡng các động thái tiếp theo, chủ yếu dựa vào xu hướng của lạm phát.
Các thị trường hiện giữ quan điểm Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm qua ở 5,25-5,5%, nhưng vẫn mong chờ manh mối về hướng đi khác của cơ quan này.
Theo thước đo FedWatch của CME Group, xác suất Fed giảm lãi suất trong tháng 9 đang là 73%, tăng so với mức 53% được khảo sát vào hôm qua (11/6). Tỷ lệ dự báo lần cắt giảm thứ 2 vào tháng 12 đã tăng lên khoảng 72% sau khi ở mức 50% trong cuộc khảo sát 1 ngày trước đó.
Tuy nhiên, triển vọng thị trường không ổn định và các quan chức Fed đã nhấn mạnh họ cần nhận được các dữ liệu kinh tế tích cực duy trì trong ít nhất 1-2 tháng trước khi thực hiện nới lỏng chính sách.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.