Nora Ephron qua đời tháng 6/2012 ở tuổi 71 vì bệnh bạch cầu, căn bệnh bà đã mắc phải từ năm 2006 nhưng lại giữ kín với hầu hết mọi người. Nhưng nếu đọc kỹ cuốn sách cuối cùng của bà xuất bản năm 2010, Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả, có lẽ mọi người đã nhận ra Nora đã linh cảm được phần nào số phận của mình.
Nữ nhà báo, biên kịch, đạo diễn Nora Ephron. |
Nora mở đầu cuốn sách Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả bằng bài viết cùng tên với nỗi lo lắng rằng trí nhớ tệ hại đang khiến bà phát điên. “Trong những ngày đầu của việc quên các thứ, chữ nghĩa cứ trôi tuột đi, và cả những cái tên nữa".
Điều này thực sự rất tệ với một người làm công việc nhà báo, biên kịch và đạo diễn nổi tiếng của Hollywood. Bạn không thể viết nổi một kịch bản ra hồn nếu như các ý tưởng cứ trôi đi mất, hay không muốn mất lòng những người nổi tiếng ở xứ sở điện ảnh dù chẳng thể nhớ được tên họ là gì.
Nora Ephron được biết đến ban đầu là một cây viết nổi tiếng của các tờ báo lớn như New York Post, New York Magazine và New York Times. Sau đó bà chuyển sang viết tiểu thuyết trước khi chuyển chúng thành những kịch bản phim ăn khách. Các bộ phim lớn được công chúng biết đến rộng rãi do bà chấp bút bao gồm Silwood, When Harry met Sally, Sleepless in Seattle, You’t Got Mail và Julie & Julia.
Với danh sách phim đồ sộ cùng khiếu hài hước thân thiện của mình, Nora quen biết khá nhiều người nổi tiếng, và nhiều người trong số họ đã đến tham dự buổi tưởng nhớ bà năm 2012 như Tom Hanks, Meryl Streep, Bill Crystal, Meg Ryan, Steven Spielberg, Nicole Kidman, Michael Bloomberg...
Bộ phim The Post của Steven Spielberg, Meryl Street và Tom Hanks năm 2017 chính là để dành tặng Nora Ephron.
Sách Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả. |
Điều tồi tệ với Nora là bà đã mắc chứng quên nhiều năm rồi, trước cả khi viết kịch bản và đạo diễn bộ phim cuối cùng Julie & Julia năm 2009. “Tôi từng tin rằng mình cuối cùng sẽ nhớ ra những thứ đã bị quên và sẽ khắc cốt ghi tâm. Giờ thì tôi biết mình không thể. Cái gì đã biến mất là biến mất vô vọng. Và cái gì mới thì chẳng nhớ được lâu.”
Từng gặp Eleanor Roosevelt tại Hyde Park nhưng lại không thể nhớ được vị đệ nhất phu nhân đã nói gì hay mặc gì. Từng phỏng vấn The Beattles trong lần đần đầu tiên ban nhạc biểu diễn ở New York nhưng còn chẳng nghe rõ họ đã nói gì. Từng đứng trước Nhà Trắng vào đêm tổng thống Nixon từ chức và chỉ nhớ đến kỷ niệm bị móc túi ngày hôm đó. Nora cảm thấy vô cùng buồn bã khi cuộc đời mình bị lãng phí vì chẳng thể nhớ nổi một mốc sự kiện quan trọng trong đời.
Chính lý do này đã thôi thúc bà viết Trời ơi tôi chẳng nhớ gì cả, để ghi chép lại tất cả những điều mình muốn nhớ trước khi quá muộn. Đó là tình yêu lớn với nghề báo kể từ khi là một nữ văn thư ở tờ Newsweek cho đến khi trở thành cây viết ở phòng tin tức của tờ New York Post.
Đó là sự thiếu tin tưởng đối với người mẹ nghiện rượu dẫn đến việc Nora đã từ mẹ, nhưng đã kịp sửa sai trước khi mẹ bà qua đời. Đó là món thịt đúc được đặt tên theo tên của Nora hoặc những bộ phim thất bại của bà, thất bại toàn tập, hay những cuộc ly dị và cách bà vượt qua chúng.
Nora Ephron (ngoài cùng bên trái), Meryl Streep (ở giữa) và Amy Adams trong buổi ra mắt phim Julie - Julia. |
Theo nhiều cách, cuốn sách kể lại toàn những kỷ niệm của Nora Ephron, nhưng bà lại biến chúng thành những câu chuyện khôi hài và tự trào. Bà có khả năng khiến người đọc phải bật cười ngay cả trong thời khắc khổ sở nhất, hoặc ngược lại khiến những điều bình thường trở nên cảm động.
“Việc nhận ra mình chỉ còn vài năm tốt lành tác động thực sự đến tôi, và kết quả là tôi đã nghĩ ngợi đủ điều. Tôi muốn lên kế hoạch với một số dự tính, nhưng tôi không thể. Tôi cố hình dung ra điều tôi thực sự muốn làm mỗi ngày, tôi cố gắng nói với chính mình: Nếu đây là những ngày cuối cùng của đời mình, mình có đang làm chính xác điều mình muốn làm không?”
Và đến lúc nào đó, có lẽ bạn cũng sẽ có một danh sách những điều mình muốn nhớ giống Nora Ephron. Mùa xuân. Mùa thu. Một cuộc đi bộ trong công viên. Đọc sách trên giường. Cười to. Paris. Kiêu hãnh và định kiến. Đi qua cầu vào Manhattan. Bánh.