“Tôi tin mỗi chúng ta đều từ những nhặt nhạnh của quá khứ mà vẽ nên diện mạo hiện tại của mình. Dù có hài lòng hay không thì đó đều là những thứ từng xảy ra, chúng ta không cách nào chối bỏ. Riêng tôi chọn cách gói ghém tất cả vào một ngăn ký ức, để những khi lòng thấy chênh chao, lại lấy ra để nhìn ngắm, ve vuốt và soi chiếu cho cuộc đời phía trước”, cây bút Phạm Minh Mẫn chia sẻ trong cuốn sách mới của mình.
Góp nhặt kỷ niệm tuổi thơ và ký ức của thế hệ 8X, Phạm Minh Mẫn viết Có những ngày chông chênh giữa phố để trải lòng trước những giây phút thấy cuộc đời còn lắm gian truân.
Sách Có những ngày chông chênh giữa phố do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Thu Huệ. |
Chất liệu tuổi thơ
Hơn 250 trang sách viết về những hoài niệm đáng nhớ thông qua hành trình trở về quá khứ của nhân vật “tôi” xuyên suốt tác phẩm.
“Những câu chuyện trong quyển sách này, có một phần chất liệu là hoài niệm tuổi thơ của tôi, một phần khác là của bạn bè hoặc những số phận tôi hữu duyên chứng kiến… Mong bạn có thể thả lòng mình thật chậm, để chúng ta cùng sống lại một quãng đời đã qua của mình và của nhau”, tác giả viết.
Chia sẻ với Zing, Phạm Minh Mẫn cho biết trong ký ức đó, thật khó để chọn ra đâu là điều đáng nhớ nhất vì những gì đã qua đều đáng trân trọng. Nhưng có lẽ, kỷ niệm với gia đình, với mẹ và bà nội là ăn sâu mãi trong trí nhớ của anh.
“Nhờ những yêu thương đó mà tôi trưởng thành. Tâm hồn tôi được nuôi dưỡng một cách ngọt ngào nhất bên hai người phụ nữ này”, tác giả lý giải.
Có những ngày chông chênh giữa phố chứa đựng nhiều cảm xúc, gắn liền ký ức của nhiều độc giả, đặc biệt là những ai từng sống trong thập niên 1980.
Họ là những người lần đầu tiên biết đến máy vi tính, Internet rồi lần mò tạo “nick chat” trên Yahoo, trốn học đi “chơi net”. Thế hệ 8X lúc bấy giờ còn được đọc những tờ báo tuổi teen đầu tiên như Mực tím, Hoa học trò in màu thật đẹp, hay “lâu lâu được tặng một tấm poster của thần tượng là hãnh diện dán cẩn thận lên tường nằm ngắm cả đêm”.
Cùng đó là kỷ niệm về mùi trầu của những người bà, mùi chảo kho quẹt của mẹ trong những chiều mưa; hay ký ức về chiếc radio cũ, mấy quyển truyện tranh nhịn ăn cả tuần mới dám mua.
Khi trưởng thành, tác giả vẫn thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại từ mẹ. Mẹ chuẩn bị bữa ăn thật ngon nhưng vì thiếu vắng các con “ngồi ăn bữa cơm bây giờ đủ đầy thịt cá mà thấy chẳng ngon như hồi đó”.
Trong tiềm thức ấy, người ta luôn nghĩ bữa cơm nhà ngon miệng không phải do đồ ăn xuất sắc, mà vì nó có mùi vị của tình thân, sự đoàn viên của đầy đủ thành viên trong gia đình.
Tác giả cũng nhớ đến những năm tháng khi lần đầu tiên biết thế nào là thương một người. Cảm xúc ấy có lúc khờ dại, ngây ngô, nhưng cũng chứa đựng đầy đủ cung bậc vui buồn, giận hờn, yêu ghét.
Chỉ những điều nhỏ bé, gần gũi, vụn vặt đó cũng khiến thanh xuân của một thế hệ đầy ắp những yêu thương, đủ để mỗi lần thấy lòng chông chênh giữa phố thị lại nhớ về nó một cách da diết.
Nhớ về quá khứ để trưởng thành
Với lối hành văn chân phương, nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, Phạm Minh Mẫn muốn những dòng viết của mình từ từ thấm vào lòng người đọc, khiến họ cảm thấy mỉm cười mỗi khi hồi tưởng về những năm tháng đẹp đẽ mình từng trải qua.
Tác giả cho rằng những gì đã qua đi, dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, đều có ý nghĩa và giá trị vì tất cả tạo nên bản thân của hiện tại.
“Tôi nhìn vào những kỷ niệm đẹp đẽ đã có để thấy trân trọng hiện thực hơn và biết mình đã được yêu thương thế nào. Nhìn vào những ký ức buồn, tôi rút kinh nghiệm cho tương lai, cố gắng không để bản thân lặp lại những điều đó. Vì thế, ký ức luôn là điều có ý nghĩa tuyệt đối”, cây bút 8X nói.
Anh cũng chia sẻ bản thân không có mục đích hay sứ mệnh gì cao xa với tác phẩm lần này, mà chỉ đơn thuần nhắc lại những ký ức đó, để nếu có lỡ chông chênh giữa phố với mệt mỏi, cô đơn, chúng ta sẽ nhớ về những điều ngọt ngào ấy. Chúng sẽ ủi an, tiếp thêm sức mạnh và khích lệ ta vững vàng đi tiếp.
Cuốn sách viết về thế hệ 8X nhưng phù hợp cho độc giả ở mọi độ tuổi, bởi bất kỳ ai cũng sẽ ít nhiều thấy mình trong những trang sách nhiều cảm xúc đó, cùng mỉm cười hoặc bật khóc khi lật mở qua từng kỷ niệm.
“Với những người yêu thương, hãy tiếp tục giữ sự quý trọng. Với những hoài niệm đáng giá, hãy nâng niu và tạo ra thêm những dư vị tương tự cho những ngày sắp tới. Còn với những lỗi lầm, những tổn thương, hãy nhìn nó và không cho phép mình tự tạo thêm những vết sẹo nào khác tương tự cho cuộc đời và cho chính mình. Tôi vẫn cứ luôn dặn lòng như vậy”, tác giả chia sẻ.