Chiều trở mình lặng lẽ
Tiếng dế kêu thắc thỏm trước hiên nhà
Con vùi mình vào khói bếp
Cho bõ những ngày rong ruổi đi xa.
***
Hoa khế đầu hồi thơm ngọt
Dịu dàng như thể thương yêu
Bát canh cua đồng mẹ nấu
Ngẩn ngơ cả lọn khói chiều.
***
Tắm nước giếng khơi mát lạnh
Sạch đi hết bụi bên đời
Bon chen lo toan cũng hết
Chỉ còn nhẹ nhõm thảnh thơi.
***
Con hóa thành ngày xưa cũ
Chân trần đi giữa tuổi thơ
Nằm nghe lũy tre làng hát
Nước sông ru nhịp đôi bờ.
Lời bình
Nếu hiểu "thơ lãng mạn" như một loại hình, nó đòi hỏi những đặc trưng về thẩm mỹ, thi pháp, xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong tiến trình của lịch sử mỹ học thi ca. Tuy nhiên, nếu xem lãng mạn như một phẩm tính, thì trạng thái này luôn tồn tại trong đời sống con người, từ xưa đến nay. Lãng mạn là một đối cực nhằm cân bằng đời sống trước những thực tại không như ý của con người.
Là một đối cực của tâm lý, tinh thần lãng mạn luôn xác lập hai trạng thái: sự mơ về và sự chối bỏ. Bài thơ Trở lại của Hoài Vũ mơ về ấu thơ, tiếng dế trước hiên nhà, khói bếp ngày xưa, hoa khế thơm, bát canh cua mẹ nấu, giếng khơi mát lạnh, chân trần tuổi thơ, bài hát của lũy tre làng, nhịp ru của dòng sông… Phía bên này lãng mạn, hẳn nhiên là những ruổi rong, mỏi mệt, bon chen, lo toan trước thực tại.
Được xây dựng trên nền của những đối cực, bài thơ Trở lại của Hoài Vũ tác động đến thế giới tinh thần của mỗi chúng ta. Sự đồng cảm được phát huy bởi trong mỗi người đều hiện diện những đối cực như thế. Xét cho cùng, ra đi và trở lại, mộng mơ và hiện thực, ước muốn và sự khước từ… luôn song hành trong tâm tưởng con người, làm nên sự sống giữa thăm thẳm thời gian và không gian.