Qua phản ánh của dư luận, trên thị trường vẫn còn SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trên kênh phân phối. Ảnh: TK |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về “Xử lý triệt để vấn đề SIM rác. Chủ tịch, tổng giám đốc các công ty, doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về SIM rác”, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có 2 văn bản nhắc nhở người đứng đầu doanh nghiệp là chủ tịch và tổng giám đốc, yêu cầu phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi, ngăn chặn triệt để tình trạng SIM rác.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo đảm thông tin thuê bao đúng quy định. Kết quả, trong năm 2023, các doanh nghiệp đã hoàn thành việc rà soát, bảo đảm thông tin của 125 triệu thuê bao đang hoạt động trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận, thị trường vẫn còn SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trên kênh phân phối, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (SIM có dấu hiệu tồn kênh) mà người dân có thể mua, sử dụng, không cần thực hiện đăng ký thông tin thuê bao theo quy định.
Trước vấn đề này, Bộ TT&TT yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai các biện pháp để xử lý triệt để vấn đề SIM rác.
Cụ thể, Bộ TT&TT yêu cầu trước ngày 15/4/2024, doanh nghiệp viễn thông phải hoàn thành xử lý toàn bộ các SIM có dấu hiệu tồn kênh, bảo đảm tất cả các SIM được bán tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không nhập sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt và chỉ có thể được kích hoạt, phát triển mới bởi chính doanh nghiệp viễn thông sau khi đã triển khai các giải pháp bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định, đồng thời trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ TT&TT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, làm rõ việc sử dụng các số thuê bao do tổ chức, cá nhân thuộc tập thuê bao có đăng ký từ 4 đến 9 SIM trên một giấy tờ bảo đảm thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện xác thực việc đang sở hữu, sử dụng các số thuê bao đã đăng ký, chịu trách nhiệm trong trường hợp số thuê bao mình đứng tên sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Từ ngày 15/4/2024, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM của doanh nghiệp mình được kích hoạt sẵn, mua, bán, lưu thông. Trường hợp phát hiện SIM thuê bao được bán, cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có sẵn thông tin thuê bao trước khi kích hoạt, đưa vào sử dụng; được kích hoạt, đưa vào sử dụng nhưng có thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…, Bộ TT&TT giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.
Theo ghi nhận của VietNamNet, hiện việc mua bán SIM rác đã giảm nhiều so với trước đây và các đại lý SIM thẻ cũng đã chuyển sang kinh doanh các ngành nghề khác. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn việc mua bán SIM rác một cách công khai. Nhiều người dân phản ánh họ vẫn nhận được nhiều cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.
Phát biểu mới đây tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) Bộ TT&TT cho biết: “Nếu xử lý được bài toán định danh trên không gian mạng, định danh tài khoản, xử lý bài toán SIM rác, SIM chính chủ, thuê bao ngân hàng rác, câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm rõ rệt”.
Cục ATTT cũng tăng cường giám sát, vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn; tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác.