Cuộc gọi lừa đảo thường giả mạo cơ quan nhà nước để lấy thông tin hoặc chiếm đoạt tài sản. Ảnh: redchili21. |
“Trong thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông cùng cơ quan quản lý có nhiều giải pháp, nhưng vẫn còn tình trạng cuộc gọi lừa đảo”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết tại họp báo thường kỳ chiều ngày 7/12.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, trong tháng 9 có 1,4 triệu thuê bao đăng ký mới, đến tháng 10 số này chỉ còn 1,2 triệu thuê bao, do các nhà mạng ngừng phát triển thuê bao mới qua các đại lý để hạn chế SIM rác, không đúng thông tin chính chủ.
“Đến tháng 10, các giấy tờ đăng ký trên 10 SIM cũng đã được chuẩn hoá trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chúng tôi cũng tiếp tục yêu cầu nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM kích hoạt sẵn”, ông Nhã cho biết. Các cơ quan nhà nước cũng triển khai giải pháp hiển thị tên cuộc gọi.
Với các giải pháp này, tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn chưa chấm dứt. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT), trong tháng 11 đã có các cuộc gọi lừa đảo giả mạo người của UBND quận thông báo công dân sai dữ liệu dân cư, cuộc gọi giả mạo thanh tra Sở Y tế để bán thuốc.
Tại họp báo chiều 7/12, đại diện Cục Viễn thông cho biết sẽ có các giải pháp giám sát thuê bao mới để hạn chế tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo. Ảnh: TA. |
Trả lời Znews về các giải pháp bảo vệ người dùng trong thời gian tới, đại diện Cục Viễn thông cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, yêu cầu người dùng điện thoại không trả lời các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, không ấn vào các đường link đến từ số lạ gửi qua SMS.
“Các doanh nghiệp viễn thông sẽ tăng cường giám sát các thuê bao mới vào mạng, thuê bao một giấy tờ có nhiều SIM, có biểu hiện nhắn tin vượt số lượng trung bình”, ông Nhã cho biết. Đại diện Cục Viễn thông cũng đề nghị những người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi bất thường hãy thông tin đến tổng đài 156 để các nhà mạng và cơ quan quản lý có giải pháp chặn lọc.
Cục An toàn thông tin cho biết trong 11 tháng đầu năm đã ghi nhận gần 16.000 lượt phản ánh lừa đảo, phần lớn là theo hình thức giả mạo. “Về biện pháp kỹ thuật, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát ngăn chặn tên miền độc hại và cung cấp các công cụ tự kiểm tra thông tin trên không gian mạng cho người dùng”, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết.
Các cơ quan Bộ TTTT cũng cho biết sẽ cùng các nhà mạng rà soát tình hình mua bán dữ liệu, để lọt thông tin người dùng để các nhóm tội phạm lừa đảo khai thác.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, tuyệt đối không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên qua điện thoại. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.