Chiều ngày 8/3, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần B1 (2.500 MHz - 2.600 MHz). Đây là băng tần được các nhà mạng đánh giá “băng tần vàng” cho 5G, bởi băng tần này có độ phủ rộng và đầu tư ít hơn các băng tần 5G còn lại. Vì vậy, đây là băng tần được nhiều nhà mạng quan tâm nhất và mong muốn có được nó.
Viettel là nhà mạng đầu tiên giành được băng tần 5G
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với ngành TT&TT, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, thời gian qua, Bộ TT&TT đã nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, đề xuất các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện thể chế về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt không chỉ thể hiện cam kết của Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy phát triển ngành viễn thông, mà còn là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp tham gia đấu giá phát triển thương mại hóa 5G, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Không ngoài dự đoán, Viettel với thế mạnh về tài chính đã giành băng tần B1 (2.500 MHz - 2.600 MHz) trong phiên đấu giá trên. Thông tin Viettel trúng đấu giá “băng tần vàng” đã được lan tỏa nhanh trên mạng xã hội tối nay. Mặc dù, Cục Tần số vô Tuyến điện vẫn giữ bí mật thông tin về kết quả đấu giá tần số 5G đến thời điểm hiện tại.
"Băng tần vàng" cho 5G
Khối “băng tần vàng” 2.500 MHz - 2.600 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD), theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ TT&TT về Quy hoạch băng tần 2.300-2.400 MHz và băng tần 2.500-2.690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Cấp phép sử dụng khối băng tần 2500 MHz -2600 MHz có thời hạn 15 năm. Ảnh: TH. |
Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Điều kiện sử dụng băng tần áp dụng cho các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng khối băng tần 2.500 MHz -2.600 MHz, phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan về thiết bị thu phát vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ trường. Doanh nghiệp phải phối hợp với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép ở băng tần liền kề trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và phòng tránh nhiễu có hại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tuân thủ kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện tại khu vực biên giới để tránh nhiễu có hại và thực hiện các quy định khác của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là 3.983.257.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng). Giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá trả cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề. Bước giá áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần 2500 MHz - 2600 MHz là 50 tỷ đồng.
Viettel sẽ nhanh chóng triển khai 5G
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom cho biết, nhà mạng này đã thử nghiệm 5G ở hầu hết tỉnh, thành phố, với hơn 1 triệu lượt trải nghiệm. Hầu hết khách hàng tham gia trải nghiệm đều cảm nhận rõ rệt tốc độ 5G mang lại.
Hệ sinh thái thiết bị 5G Viettel tại MWC 2024 vừa qua. Ảnh: TH. |
Ông Sơn còn cho biết, nhu cầu sử dụng 5G của người dân là nhiều nhưng số thiết bị hỗ trợ 5G còn thấp, chỉ chiếm khoảng 17-20%. Vì vậy, Viettel sẽ lựa chọn ưu tiên triển khai 5G ở những khu vực có nhu cầu cao, với tỷ lệ máy điện thoại hỗ trợ 5G cao; Bên cạnh đó là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo...
“Viettel đã tiên phong tắt công nghệ 3G. Hiện nay, gần như trên mạng lưới Viettel không còn thuê bao 3G, chỉ còn một số điểm hotspot để phục vụ truyền dẫn. Hiện Viettel đang tích cực chuyển đổi khách hàng 2G lên 4G. Năm sau, nếu có tần số 5G triển khai, Viettel có thể chỉ còn hai công nghệ 4G và 5G vào cuối năm 2024, đồng nghĩa khách hàng Viettel chỉ là các thuê bao 4G và 5G”, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay."