“Với lượt lựa chọn thứ 13 tại vòng draft năm 1996, Charlotte Hornet lựa chọn Kobe Bryant từ trường trung học Lower Marion, Philadelphia” giọng nói của cố Chủ tịch NBA David Stern vang vọng khắp toà nhà East Rutherford, New Jersey – nơi kỳ tuyển chọn cầu thủ lần thứ 50 của NBA diễn ra. Một chàng trai 18 tuổi da màu, phảng phất ánh nắng của Địa Trung Hải đứng dậy cùng nụ cười tươi tắn.
Vào thời điểm đó, rất hiếm cầu thủ chuyển thẳng từ trường trung học tới với NBA. Sự khắc nghiệt của môi trường chuyên nghiệp sẽ thải loại ngay lập tức những cá nhân yếu đuối. Nhưng Kobe Bryant vẫn lựa chọn con đường đó, sau một buổi lễ công bố chính thức tại trường trung học.
Lúc đó, mọi người không biết rằng họ đang chứng kiến một huyền thoại của thể thao thế giới bắt đầu những bước đi đầu tiên.
Kobe Bryant đi thẳng tới giải đấu bóng rổ khắc nghiệt nhất thế giới NBA từ trường trung học ở tuổi 18. Ảnh: NBA. |
"Tôi là Kobe Bryant. Hãy nhớ lấy cái tên đó"
Bước vào môi trường bóng rổ nhà nghề, Kobe Bryant ngay lập tức chuyển từ Charlotte Hornet sang Los Angeles Lakers. Giám đốc điều hành của Lakers khi ấy, huyền thoại Jerry West chỉ cần 1 buổi kiểm tra trước vòng draft để quyết định rằng ông sẽ làm mọi cách để có được Kobe.
Lakers đổi đi trung phong trụ cột Vlade Divac để mang về một cậu trai 18 tuổi chưa chứng tỏ được gì. Trả lời phỏng vấn của ESPN khi nhớ lại thời điểm đó, Jerry West trả lời: “Đôi khi bạn nhìn vào một cầu thủ, với tất cả những gì họ có, và bạn biết đây chính là nhân tố sẽ thay đổi tất cả. Kobe sẽ thay đổi Lakers”.
Chàng trai đầy năng lượng tới từ Philadelphia sở hữu lối chơi bùng nổ cùng thể chất tuyệt vời, có thể chơi ở nhiều vị trí, có bước chân tốt so với tuổi và khả năng đột phá ở tốc độ cao.
Đó là những lời đầu tiên trong bảng nhận xét của các chuyên gia đánh giá cầu thủ năm 1996. Nhưng một dòng nổi bật hơn cả: Cậu ấy trưởng thành hơn rất nhiều so với cầu thủ ở độ tuổi 17. Có khả năng lãnh đạo và khao khát học hỏi mãnh liệt.
Kobe Bryant cho thấy bản thân là cầu thủ xuất sắc từ khi còn rất trẻ. Ảnh: NBA. |
Kobe Bryant bước vào NBA khi mà Lakers đang trong giai đoạn cần một cú hích thực sự về nhân sự. 2 mùa giải trước trôi qua không đúng như mong muốn của các cổ động viên đội bóng, khi kỳ vọng luôn là chức vô địch còn Lakers thì không thể tiến sâu hơn vòng bán kết miền.
Sự chú ý cũng không đổ dồn quá nhiều về Bryant mà lại thuộc về một bản hợp đồng khác của Lakers khi ấy, Shaqille O’Neal đến từ Orlando Magic. Kobe không phải chịu sức ép chứng tỏ bất kỳ điều gì. Nhưng thời điểm đó, theo Kobe, NBA cần phải biết và nhớ cái tên của anh.
Ngày 3 tháng 11 năm 1996, Kobe Bryant trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử NBA thời điểm đó thi đấu tại NBA khi 18 tuổi 72 ngày. 2 năm sau, tháng 2 năm 1998, anh trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử NBA được bầu chọn vào đội hình All-star. Cũng tại All-star năm đó, Kobe có được danh hiệu vô địch cuộc thi dunk rổ. Và tất nhiên, anh cũng là người trẻ nhất lịch sử làm được điều đó.
Bước tiến sự nghiệp của Kobe Bryant càng tới nhanh hơn nữa. Mùa giải thứ 4 tại NBA, anh giúp Los Angeles Lakers vô địch NBA, giành chiếc nhẫn vô địch lân đầu tiên trong sự nghiệp. Và 2 mùa giải liên tiếp sau đó đều như vậy. Kobe giúp Lakers hoàn tất cú ăn ba lịch sử. Tất cả đạt được khi anh mới 25 tuổi.
Chàng trai tới từ Philadelphia có cho mình hầu như tất cả những gì mà sự nghiệp một cầu thủ bóng rổ tại NBA có thể mơ ước. Tất cả tới từ những nỗ lực không ngừng nghỉ trên sân tập trước khi trận đấu bắt đầu. Một câu chuyện về Kobe Bryant vẫn ám ảnh cựu cầu thủ Jay Williams. Đó là khi Lakers tới thi đấu trên sân khách. Jay thường tới sân tập trước trận đấu diễn ra 3 tiếng đồng hồ để tập luyện trước trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Kobe và Shaquille từng là cặp bài trùng giúp Lakers vô địch NBA. Ảnh: NBA. |
Nhưng lần nào anh tới cũng đã thấy Kobe tập luyện trước 1 tiếng và chỉ ra về trước khi trận đấu diễn ra 1 tiếng. Và lần nào thì Kobe cũng đánh bại đội bóng của Jay. Khi anh hỏi về lý do, Kobe chỉ nói: “Bởi vì tôi thấy anh tập luyện sớm mà tôi thì không bao giờ muốn có ai tập luyện chăm chỉ hơn mình”
Nhưng có một điều Kobe chưa có được ở thời điểm đó. Một đội bóng của riêng mình, do chính mình dẫn dắt tới chức vô địch. Việc phải chia sẻ vị trí thủ lĩnh với Shaquille, một trung phong vô cùng tài năng nhưng không có đủ khao khát như bản thân mình, đã khiến Bryant mệt mỏi. Đỉnh điểm là những lời qua tiếng lại trên báo chí vào mùa giải 2003-2004 dẫn đến việc Shaq chuyển tới Miami. Kể từ đó Lakers là của Kobe
Cái tên Kobe Bryant còn được nhắc tới thời gian này khi anh dính vào ồn ào đời tư với một nhân viên khách sạn tại Colorado. Vụ việc này suýt chút nữa khiến Bryan mất tất cả: hình ảnh, gia đình, sự nghiệp. Cuối cùng nó cũng được giải quyết ổn thoả và đồng thời đóng lại chuỗi ngày cái tên Kobe Bryant gắn bó với chiếc áo số 8.
"Tôi có thể dẫn bạn tới thành công. Tôi là Kobe Bryant"
Vào tháng 4 năm 2006, Kobe Bryant quyết định đổi số áo từ số 8 sang số 24. Đồng thời, anh cũng lấy biệt danh “Black Mamba” nổi tiếng.
Kobe lý giải trên ESPN:” Tôi muốn tách biệt sự nghiệp của mình. Đã tới lúc phải là một Bryant khác, tập trung hơn, tách bạch cuộc sống riêng và sự nghiệp. Tôi sẽ có một góc nhìn khác, với tư cách là một cầu thủ kỳ cựu chứ không còn là cầu thủ trẻ nữa”
Việc lớn nhất mà Bryant phải học lúc này đó là trở thành một người dẫn dắt. Chàng trai số 8 với mái tóc Afro cùng sự nhiệt huyết không phải là hình mẫu phù hợp.
Việc chuyển từ số 8 sang 24 đánh dấu sự trưởng thành của Kobe Bryant. Ảnh: NBA. |
Chia sẻ trong cuốn tự truyện Kobe Bryant the Mamba Mentality, ngôi sao sinh năm 1978 viết: “Phong cách dẫn dắt của tôi không hề thay đổi. Chỉ là cách tiếp cận của tôi khác xưa. Tôi vẫn luôn muốn thúc đẩy mọi người, thách thức mọi người thể hiện phiên bản tốt nhất của họ. Nhưng giờ đây, tôi biết mỗi người phải có cách làm riêng. Tôi phải hiểu họ, trước khi muốn dẫn dắt họ”.
Kể từ đó, trước khi mỗi trận đấu diễn ra, Kobe thường nghiên cứu kỹ băng hình các trận đấu, nhưng không chỉ của các đối thủ. Anh nghiên cứu cả đồng đội của mình.
Kobe biết Lamar Odom có khả năng kiến tạo nên sẽ luôn là phương án dự phòng khi anh cảm thấy bế tắc. Kobe cần Pau Gasol như một người anh em bởi mối liên lạc giữa họ mang về Lakers 2 chức vô địch nữa vào năm 2009 và 2010. Đó là cách mà Kobe số 24 đã cải thiện để trở thành một người thủ lĩnh thực sự.
Càng về cuối sự nghiệp, chấn thương tới với Bryant nhiều hơn. Áp lực, guồng quay thi đấu của NBA khiến bất kỳ cơ thể nào, dù chắc chắn tới đâu, đều có thể tổn thương. Thử thách bậc nhất sự nghiệp của anh tới vào tháng 4/2013 khi Kobe đứt gân gót chân.
Ở độ tuổi 34, không nhiều người nghĩ Kobe có thể trở lại với đỉnh cao sự nghiệp sau chấn thương nặng như vậy. Một lần nữa anh phải làm lại từ đầu, học cách di chuyển, cách chạy, hồi phục một phần sức bật.
Dù không còn cơ hội để cạnh tranh danh hiệu nào, nhưng với Kobe, đây là cách để anh gửi thông điệp tới thế hệ tiếp theo. “Chướng ngại luôn ở đó trong cuộc sống, điều quyết định nên con người bạn là cách bạn vượt qua chúng”, Kobe trả lời ESPN.
Kobe là tượng đài của NBA với 18 lần được chọn vào đội All-star trong 20 mùa giải tham dự. Ảnh: NBA. |
Và cái kết sự nghiệp cũng tới một cách viên mãn với huyền thoại của Lakers. Kobe ghi 60 điểm trong trận đấu cuối cùng trên sân nhà Staple Center, giúp Lakers vượt lên ở những phút cuối, đúng với phong cách các trận đấu trong suốt sự nghiệp của anh.
Một lần nữa, người ta lại phải nhắc tới Kobe với tư cách cầu thủ lớn tuổi ghi nhiều điểm nhất trong lịch sử NBA. Staple Center vang vọng tiếng hô “Kobe, Kobe, Kobe” của 19.000 khán giả có may mắn được theo dõi trực tiếp trên sân trận đấu đó.
Di sản của Kobe Bryant
Cảm hứng từ trái bóng cam vẫn theo đuổi Kobe và mang thành công tới với anh. Sau khi giã từ sự nghiệp, Kobe chuyển thể bài thơ trong ngày công bố chia tay thành một bộ phim hoạt hình ngắn. Bộ phim sau đó giành giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn hay nhất. Tên của bộ phim là “Thân gửi bóng rổ” (Dear Basketball)
Trong ngày xảy ra tai nạn, Kobe Bryant đang cùng con gái Gianna tới một trận đấu bóng rổ bằng trực thăng. Chiếc máy bay mất kiểm soát rồi lao xuống vùng núi tại California. Thế giới bàng hoàng khi người đàn ông chuẩn bị bước vào ngôi đền danh vọng của bóng rổ thế giới đột ngột ra đi.
Kobe chia tay bóng rổ với 60 điểm dội vào lưới Utah Jazz, nhưng lời chia tay cuộc sống của anh lại không được trọn vẹn như vậy. Ảnh: NBA. |
Bóng rổ thế giới may mắn khi có được một người như Kobe Bryant, luôn ám ảnh với sự tiến bộ từng ngày, ám ảnh với chiến thắng tới mức có thể tự cô lập bản thân khỏi thế giới để tập luyện.
Nhìn lại hào quang của Kobe để thấy từ giờ bóng rổ thế giới sẽ không còn một huyền thoại, một người cha yêu thương con gái, một người đàn ông luôn dõi mắt để gửi lại những giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau.
Đó quả là một cái kết khó tưởng tượng với một trong những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử NBA. Song, vinh quang của Kobe không biến mất sau thảm kịch này.
Giờ đây, mỗi khi nhắc tới tinh thần cầu tiến bền bỉ, không ngừng hoàn thiện mình bất chấp khó khăn, người ta sẽ nhắc đến tinh thần của Kobe Bryant. Mỗi khi buộc phải tìm một nguồn cảm hứng để vươn lên không chỉ trong bóng rổ mà còn cả cuộc sống, Kobe Bryant sẽ là câu trả lời.
Di sản Kobe để lại, vì vậy, sẽ còn hiển hiện ở từng sân bóng khắp nơi trên thế giới.