Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kinh tế châu Âu chao đảo nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt

Các tính toán chỉ ra nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, nền kinh tế khu vực đồng EUR sẽ lao đao vì tăng trưởng lao dốc và lạm phát tăng cao.

Theo CNBC, khí đốt tự nhiên là một trong những hàng hóa chịu tác động bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nền kinh tế châu Âu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Nga ngừng xuất khẩu mặt hàng này.

Các rủi ro đối với nguồn cung đã tạo ra sự biến động mạnh trên các thị trường hàng hóa toàn cầu, từ dầu, nickel, lúa mì đến khí đốt tự nhiên.

Giới quan sát một lần nữa tập trung sự chú ý vào khí đốt tự nhiên, sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố có thể ngừng xuất khẩu khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang Đức và phần còn lại của châu Âu.

Tháng trước, Đức đã quyết định ngừng dự án Nord Stream 2. Cùng với đó là hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Kinh te chau Au anh 1

Nền kinh tế châu Âu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Nga ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên. Ảnh: Reuters.

Tác động lớn

Đầu tuần này, Mỹ thông báo sẽ cấm tất cả hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Anh cũng lên kế hoạch loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu dự định cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga.

Khoảng 1/4 năng lượng của khu vực đồng EUR được tạo ra từ khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, Nga chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối, một trong số các đường ống chạy qua Ukraine. Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, bất cứ sự gián đoạn nào đối với nguồn nhập khẩu khí đốt có thể gây tác động đáng kể đối với sản lượng kinh tế và lạm phát của khu vực.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi đầu tuần, ông Sven Jari Stehn - Trưởng nhóm Kinh tế châu Âu của Goldman Sachs - và đội ngũ của mình đã đưa ra một số kịch bản. Nhóm chuyên gia cũng đánh giá xem chúng sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế châu Âu.

Kinh te chau Au anh 2

Nga chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực đồng EUR. Ảnh: Reuters.

Các kịch bản được đưa ra bao gồm không có thêm bất cứ gián đoạn nguồn cung nào nữa, nhập khẩu khí đốt thông qua Ukraine bị ngừng từ giờ đến cuối năm, hoặc tất cả đường ống nhập khẩu của Nga sang châu Âu đều dừng trong cả năm 2022.

"Theo tính toán của chúng tôi, trong năm 2022, so với giả định không có thêm bất cứ gián đoạn nguồn cung khí đốt nào, giá khí đốt tăng cao có thể khiến tăng trưởng GDP của khu vực đồng EUR giảm thêm 0,6 điểm phần trăm, còn tăng trưởng GDP của Anh bị ảnh hưởng 0,1 điểm phần trăm", ông Stehn chia sẻ.

Theo ông, mức sụt giảm tăng trưởng GDP của kinh tế Đức có thể lớn hơn, lên tới 0,9 điểm phần trăm. Nguyên nhân là nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.

Khó ngừng xuất khẩu hoàn toàn

“Kịch bản Nga ngừng tất cả hoạt động xuất khẩu theo đường ống có thể khiến tăng trưởng GDP của khu vực đồng EUR giảm 2,2 điểm phần trăm vào năm 2022 so với dự báo cơ sở. Tác động đối với Đức và Italy lần lượt là 3,4 điểm phần trăm và 2,6 điểm phần trăm", ông cảnh báo.

Theo Goldman Sachs, nếu xảy ra kịch bản dòng chảy khí đốt qua Ukraine bị ngừng, lạm phát của khu vực đồng EUR sẽ tăng 0,7 điểm phần trăm.

Còn nếu Nga ngừng mọi hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, lạm phát có thể tăng tới 1,3 điểm phần trăm. Viễn cảnh giá năng lượng tiếp tục tăng cao làm dấy lên lo ngại về thời kỳ "đình lạm", tức tăng trưởng kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi giá cả leo thang.

Tháng trước, Moscow đã có thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm cung cấp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thêm 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, cần mất từ 2 đến 3 năm để hoàn thành đường ống mới

Ông Mathieu Savary chiến lược gia tại BCA Research

Trên thực tế, Nga cũng phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu sang châu Âu. Nguồn thu của nước này đang ngày càng eo hẹp do ảnh hưởng của hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có.

Do vậy, các chiến lược gia của BCA Research cho rằng việc ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt sang châu Âu là khó xảy ra.

"Tháng trước, Moscow đã có thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm cung cấp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thêm 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Tuy nhiên, cần mất từ 2 đến 3 năm để hoàn thành đường ống mới", ông Mathieu Savary - chiến lược gia tại BCA Research - nhận định.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu hiện đứng trước áp lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch của Nga. Những quốc gia nhập khẩu vẫn đang "nạp năng lượng" cho cuộc chiến của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin với nguồn doanh thu dầu khí khổng lồ.

Trên thực tế, doanh thu từ dầu khí của Nga chiếm khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020. Con số cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò không thể thay thế đối với chính quyền Nga.

"Nga vẫn cần doanh số bán hàng để tài trợ cho các cuộc tấn công vào Ukraine và duy trì ổn định trong nước", ông Savary nhận xét. Tuy nhiên, ông Savary cho rằng với lời đe dọa của Phó thủ tướng Novak, nguồn cung năng lượng của châu Âu vẫn có khả năng bị đe dọa.

Cú sốc năng lượng đang đe dọa kinh tế thế giới

Goldman Sachs cho rằng xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tạo ra cú sốc năng lượng chưa từng có, đe dọa quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Nga - Ukraine đàm phán thất bại, giá dầu bật tăng

Giá dầu tăng cao sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có tiến triển. Sau đợt sụt giảm hơn 12%, giá dầu WTI bật tăng hơn 4%, còn giá dầu Brent tăng hơn 5%.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm