Theo CNN, xung đột giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moscow sẽ khiến nền kinh tế thế giới hứng chịu cú sốc năng lượng lớn.
Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Anh cũng cho biết sẽ loại bỏ hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các đồng minh phương Tây "tẩy chay" dầu khí Nga. Ông lập luận rằng mua dầu Nga đồng nghĩa với việc trả tiền cho cuộc thảm sát "đàn ông, phụ nữ và trẻ em Ukraine".
Đến nay, châu Âu - vốn phụ thuộc vào nguồn cung dầu của Nga hơn - chưa đưa ra lệnh trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt đối với các nhà băng của Nga, cùng với những lo ngại về khả năng vận chuyển dầu của nước này, đã tạo ra một "lệnh cấm ngầm" đối với ngành năng lượng Nga.
Xung đột giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đã tạo ra cú sốc năng lượng lớn. Ảnh: Reuters. |
Cú sốc năng lượng
"Không rõ cuộc xung đột và tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu sẽ được giải quyết ra sao. Tình hình hiện tại là chưa từng có tiền lệ", CNN dẫn nhận định của các chiến lược gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
Theo hãng nghiên cứu Rystad Energy, nếu các quốc gia phương Tây khác tiếp tục làm theo Mỹ và cấm vận dầu Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên 240 USD/thùng vào mùa hè này.
"Động thái đó sẽ tạo ra một lỗ hổng 4,3 triệu thùng dầu/ngày. Thị trường không thể nhanh chóng lấp đầy bằng những nguồn cung khác", hãng nhận định.
Với vị thế quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng cho thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay
Goldman Sachs
"Với vị thế quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng cho thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay", Goldman Sachs cảnh báo.
Ngân hàng đầu tư Phố Wall cho rằng quy mô của cú sốc "sẽ rất lớn".
Theo Goldman Sachs, giao tranh Nga - Ukraine có thể loại bỏ khoảng 3 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga mỗi ngày qua đường biển. Nếu tình hình không được cải thiện, đây sẽ là đợt gián đoạn lớn thứ 5 kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ sau khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Cách mạng Iran năm 1978, chiến tranh Iran - Iraq năm 1980 và chiến tranh Iraq - Kuwait vào năm 1990.
Vấn đề nằm ở chỗ không có cách khắc phục dễ dàng nào để bù đắp lượng dầu Nga bị thiếu hụt.
Theo Goldman Sachs, ngay cả sau khi dự trữ dầu được giải phóng khẩn cấp, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng dầu và Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Iran và Venezuela, thị trường dầu thế giới vẫn sẽ "không còn vùng đệm".
Phá hủy nhu cầu
"Khi đó, chỉ có thể chờ nhu cầu bị phá hủy vì giá tăng cao", ngân hàng cảnh báo. Nói cách khác, thế giới buộc sẽ phải sử dụng dầu ít hơn. Điều này có thể gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu bởi người tiêu dùng ít ra đường hơn, số chuyến bay giảm đi, số dầu được dùng để sản xuất cũng lao dốc.
"Vẫn còn rất nhiều kịch bản tồi tệ có thể xảy ra, bởi mối đe dọa của việc giá dầu tăng đột biến đối với kinh tế toàn cầu", các chiến lược gia cảnh báo.
Phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nơi khác, bao gồm các thành viên OPEC là Iran và Venezuela. Trước khi bị Mỹ cấm vận, Iran sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Washington cũng bắt đầu các cuộc thảo luận với Venezuela - một quốc gia khác bị Mỹ áp lệnh cấm dầu mỏ. Nhưng trên thực tế, ngay cả trước lệnh cấm, ngành công nghiệp dầu khí của quốc gia Nam Mỹ này đã đình trệ với hệ thống máy lọc dầu và đường ống xuống cấp trầm trọng.
Sản lượng dầu của Mỹ dự kiến tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu và giá tăng cao. Nhưng quá trình phục hồi sản lượng trong nước đến nay đã bị chậm lại đáng kể. Một phần nguyên nhân là các công ty dầu mỏ của Mỹ phải tập trung chi trả cổ tức cho cổ đông.
Phương Tây đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những nơi khác, bao gồm các thành viên OPEC là Iran và Venezuela. Nhưng khoảng trống của nguồn cung dầu Nga vẫn khó được lấp đầy. Ảnh: Reuters. |
"Trong thời gian đầu, nguồn cung dầu đá phiến cũng sẽ tăng ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là thời gian khai thác, các nhà sản xuất vẫn thận trọng và ngành dịch vụ chưa thể phục hồi", ngân hàng đầu tư Phố Wall giải thích. Thêm vào đó, những doanh nghiệp khai thác còn giảm đầu tư vì đại dịch và vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ dự kiến tăng lên mức trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm nay. Con số này phù hợp với dự báo trước đó của EIA hồi tháng 2, trước khi giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, EIA đã nâng đáng kể dự báo về sản lượng dầu của Mỹ vào năm 2023 từ 12,6 triệu thùng/ngày lên trung bình 13 triệu thùng/ngày. Hồi năm 2019, Mỹ đạt sản lượng dầu kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày. Nhưng ngay cả khi sản lượng tăng lên mức này, đây vẫn là con số nhỏ so với tổng sản lượng thị trường 100 triệu thùng/ngày.